Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh
Nội dung kiến nghị :
Giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ công và bội chi ngân sách nhà nước, đánh giá hiệu quả tình hình đầu tư, sử dụng vốn vay nước ngoài để việc tăng vay nước ngoài sử dụng có hiệu quả hơn trong đầu tư phát triển.
Trả lời:
(i) Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đảm bảo nợ công an toàn, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công và bội chi NSNN, đảm bảo an ninh an toàn nền tài chính quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng, cụ thể:
- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
- Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
- Chính phủ ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu trên.
- Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
- Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công: Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định số 92/NĐ-CP về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ; Nghị định số 93/2018/NĐ-CP về quản lý nợ chính quyền địa phương; Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định 97/2018/ND-CP về cho vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
(ii) Công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả đối với tình hình đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài để tăng vay nước ngoài sử dụng có hiệu quả hơn trong đầu tư phát triển, như sau:
- Công tác quản lý vay trả nợ công tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, góp phần kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép. Tốc độ tăng nợ công giảm dần và trong tầm kiểm soát, tỷ lệ nợ công giảm dần từ 63,7% GDP năm 2016 giảm xuống còn khoảng 61,4% GDP năm 2018
- Tổ chức huy động vốn trong nước và nước ngoài cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển theo kế hoạch vay trả nợ hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý và sử dụng hiệu quả, chặt chẽ; đảm bảo thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi theo kế hoạch trả nợ và hiệp định vay đã cam kết.
- Quản lý chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, theo đó nguồn vốn huy động của chính quyền địa phương chủ yếu thông qua nguồn vay nước ngoài về cho vay lại, tạm ứng nguồn tồn ngân Kho bạc Nhà nước, vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Một số địa phương có khả năng đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nằm trong hạn mức được Chính phủ phê duyệt, tập trung vào các kỳ hạn 5 năm trở lên.
- Quản lý chặt chẽ vay về cho vay lại đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; tăng cường công tác thu hồi nợ, quản lý tài sản đảm bảo.
- Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt NSNN trong khung cân đối ngân sách và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; thực hiện vay trả nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay chi sự nghiệp; kiểm soát chặt chẽ cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi an toàn nợ công được Quốc hội cho phép.
- Việc kiểm soát an toàn nợ địa phương được quán triệt thực hiện trong suốt quá trình tham gia ý kiến đối với đề xuất sử dụng vốn ODA/vay ưu đãi Chính phủ của CQĐP, thẩm định khả năng trả nợ của CQĐP, giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án đã được duyệt.
Nhìn chung, công tác huy động vốn vay, trả nợ Chính phủ, công tác cho vay lại đã bám sát Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bám sát kế hoạch kiểm tra, thanh tra các dự án sử dụng vốn vay nợ công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án đã ký; đánh giá tác động của các dự án vay mới đối với đầu tư công trung hạn, hạn mức vay; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ trong nước, theo đó tập trung phát hành trái phiếu dài hạn, trái phiếu chuẩn để làm chiến lược cho thị trường. Chính phủ bố trí đủ ngân sách trung ương để trả nợ Chính phủ, trong tổng mức trả nợ hàng năm được Quốc hội quyết định, đảm bảo an ninh an toàn nền tài chính quốc gia./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư