Kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai

Nội dung kiến nghị (số 24 tại văn bản số 6531/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ xem xét, có chính sách mở rộng đối tượng hỗ trợ cho người nông dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, vì tình hình tiêu thụ nông sản giảm mạnh, đời sống người nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh này. Đồng thời, có chính sách giãn nợ, có thêm nhiều gói vay ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trả lời:

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều hoạt động nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nhiều chính sách quan trọng đã được Chính phủ ban hành kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 cùng với các khó khăn về thiên tai, hạn hán,… đã đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo chung của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh hướng dẫn triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ hiện có cho người nông dân bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, cụ thể như sau:

- Về chính sách mở rộng đối tượng hỗ trợ cho người nông dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19:

+ Thực hiện hỗ trợ nông dân chăn nuôi khi có động vật bị dịch bệnh theo quy định của Luật thú y ngày 19/6/2015;

+ Triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất, nuôi trồng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh;

+ Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, địa phương xây dựng và thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản an toàn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.

- Về chính sách giãn nợ, có thêm nhiều gói vay ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh:

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể:

+ Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân, doanh nghiệp;

+ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư, dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp;

+ Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (gồm 13 loại sản phẩm nông sản chủ lực);

+ Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp;

+ Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2020 điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực ngày 07 tháng 5 năm 2020) và Quyết định số 925/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 5 năm 2020 về tái cấp vốn số tiền tối đa 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nói chung, trong đó tập trung vào những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch Covid-19, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp được giao về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng, lao động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tiến độ thanh toán các khoản nợ công cho các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung kinh phí cho Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng phó với dịch Covid-19.

Ngày 11 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020 số 129/NQ-CP, trong đó yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Một trong những định hướng chính sách đang được Chính phủ cân nhắc thực hiện thời gian tới như: tập trung đẩy nhanh tiến độ và điều chỉnh các điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là gói chính sách tiền tệ - tín dụng, gói hỗ trợ về tài khóa và gói hỗ trợ an sinh xã hội; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa sau đại dịch như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư