Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang
Nội dung kiến nghị (số 66 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội có Nghị quyết đặc thù về phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tứ giác Long Xuyên trong từng giai đoạn cho đến năm 2030 và các năm tiếp theo.
Trả lời:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ nghiên cứu các cơ chế chính sách đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng tứ giác Long Xuyên và tỉnh An Giang. Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm ưu tiên phát triển vùng ĐBSCL như: cơ chế tính điểm để có mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025 (cụ thể tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025); hỗ trợ cho các dự án liên kết vùng…
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét chủ trương tiếp nhận Khoản vay để hỗ trợ vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 6762/BKHĐT-KTĐN ngày 05/10/2021 trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tiếp nhận Khoản hỗ trợ DPO, theo đó kiến nghị cơ chế tài chính áp dụng theo quy định tại Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo các nội dung liên quan tại cuộc họp Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai Chương trình sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư