Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội
Nội dung kiến nghị (số 44 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP):
a) Cử tri đề nghị trình nghiên cứu trình Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2021 cho phù hợp với tình hình thực tế, vì trong 02 năm 2019 và năm 2020 một số chỉ tiêu phát triển kinh tế đã không đạt chỉ tiêu kế hoạch do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
b) Cử tri đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện, giải pháp, cơ chế chính sách trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời đánh giá những tác động, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong 04 đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua để điều chỉnh các quy định phù hợp.
c) Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đặc biệt hỗ trợ vốn, giãn nợ cho các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động sớm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
d) Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời bổ sung đối tượng được nhận hỗ trợ đối với các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp: trồng rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi… giá nông sản thấp, không tiêu thụ kịp thời dẫn đến sản phẩm bị hư hỏng, người nông dân không thu hồi được vốn, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.
đ) Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng quan tâm bố trí nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và khu CNC Hòa Lạc; có cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tồn tại, vướng mắc của từng dự án; có những giải pháp đồng bộ để kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu với nhau và với hạ tầng giao thông chung của khu vực, của vùng, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai.
Trả lời:
a) Về kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2021 cho phù hợp với tình hình thực tế
Việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2021 ở thời điểm hiện nay là không cần thiết. Kết quả thực hiện cụ thể của các chỉ tiêu đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (Báo cáo số 422/BC-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022), theo đó 08/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, 04 chỉ tiêu không đạt. Số liệu báo cáo đã được Chính phủ đánh giá và ước trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các chỉ tiêu này sẽ được Chính phủ rà soát, đánh giá bổ sung và báo cáo Quốc hội vào đầu năm 2022.
Trong năm 2021, Chính phủ đã thường xuyên đặt quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và lấy các mục tiêu, chỉ tiêu của Quốc hội giao làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ đã kịp thời xây dựng các kịch bản để điều hành nền kinh tế phù hợp, hiệu quả.
b) Về kiến nghị đánh giá tình hình thực hiện, giải pháp, cơ chế chính sách trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời đánh giá những tác động, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong 04 đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua để điều chỉnh các quy định phù hợp.
Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp, người dân và các thành phần kinh tế ban hành các chính sách, gói hỗ trợ kịp thời để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nhằm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh như: Chính sách tài chính - ngân hàng (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021); Chính sách thuế, phí, lệ phí (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021); Chính sách tiếp tục được thực hiện từ năm 2020 nhằm hướng tới việc hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hàng không (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020; Nghị quyết 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020); Chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động (Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021) và nhiều cơ chế, chính sách khác. Có thể thấy các chính sách tài khóa được ban hành trong năm 2021 đều là sự tiếp nối trên tinh thần của các chính sách đã thực hiện năm 2020 theo hướng chủ đạo là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, hoãn thực hiện một số nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước để tập trung dòng vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh.
Từ tháng 7/2021, bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2021. Qua đó, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm và hàng năm, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ của nền kinh tế. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra như sau:
- Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, đầu tư nâng cao năng lực y tế, triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với chi phí phòng, chống dịch hợp lý cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm; cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm và một số đối tượng ưu tiên; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; hỗ trợ lãi suất cho vay trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.
- Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khả năng hấp thụ vốn và giải quyết ngay những khó khăn, hạn chế của ngành, lĩnh vực.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn; giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
c) Về kiến nghị quan tâm chỉ đạo phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đặc biệt hỗ trợ vốn, giãn nợ cho các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động sớm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch Covid-19, Chính phủ cùng các Bộ ngành đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách về bảo hiểm xã hội, công đoàn hỗ trợ người lao động... Cụ thể, ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/09/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 (triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15) hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo đó nhiều đối tượng sẽ được giảm tới 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021,...
Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, các chính sách và giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng và tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương. Việc ban hành kịp thời hướng dẫn khôi phục sản xuất, kinh doanh theo tình hình mới đã giúp nhiều doanh nghiệp và người lao động quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tốt cho tăng trưởng của địa phương và cả nước.
Từ tháng 7/2021, bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2021. Qua đó, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm và hàng năm, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ của nền kinh tế.
Đây là chương trình tổng thể có quy mô đủ lớn, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn phục hồi nền kinh tế. Chương trình sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách; và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính cho doanh nghiệp, trong đó dự kiến tiếp tục các chính sách giãn thời hạn nộp thuế, giãn nợ, cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ này dự kiến được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của đại dịch.
d) Về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu năm các Nghị quyết, Công điện, văn bản như: các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 05/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 642/VPCP-KTTH ngày 26/01/2021; Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng năm 2021.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực của Tổ công tác đặc biệt[1] của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Covid-19, đang tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 105/NQ-CP. Hàng tuần Tổ công tác tổ chức họp với các thành viên tổ giúp việc, thông qua đường dây nóng[2] để kịp thời tiếp nhận phản ánh kiến nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội; qua đó Tổ công tác gửi văn bản, làm việc với các cơ quan liên quan đề nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, thường trực tổ công tác để chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng tháng, 3 tháng hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ trưởng Tổ công tác hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương; từ ngày 06/12/2021 đến ngày 15/12/2021, Tổ trưởng các Tổ công tác đã chủ trì, tổ chức các cuộc họp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Trên cơ sở kết quả làm việc của 06 Tổ công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả chung của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương[3].
đ) Về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; có cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tồn tại, vướng mắc của từng dự án; có những giải pháp đồng bộ để kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu với nhau và với hạ tầng giao thông chung của khu vực, của vùng, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai.
-
Đối với Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc:
Về giải pháp đồng bộ để kết nối giữa các khu vực, hạ tầng giao thông chung của khu vực, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030.
Về kinh phí đầu tư xây dựng Khu CNC Hòa Lạc đã được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu CNC Hòa Lạc. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Khu CNC Hòa Lạc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 quy định cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc.
Tính đến năm 2021, diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) của Khu CNC Hòa Lạc là 1.359 ha/1.586 ha theo quy hoạch. Về hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc, đến nay hạ tầng kỹ thuật chung khu vực phía Bắc Đại Lộ Thăng Long cơ bản hoàn thành và kết nối được với Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21 và các khu lân cận. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc (quy mô 1.036 ha, thực hiện từ nguồn vốn ODA) với mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của Khu CNC Hòa Lạc đã được ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án, đến năm 2020 dự án kết thúc hoàn thành tạo ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và nhu cầu của các nhà đầu tư.
Trên cơ sở nhu cầu bố trí vốn tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCNC Hòa Lạc giai đoạn kế hoạch 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.367 tỷ đồng để hoàn thành công tác GPMB toàn bộ diện tích Khu CNC Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của Khu CNC Hòa Lạc. Để đạt mục tiêu hoàn thành GPMB trong giai đoạn 2021-2025, đề nghị cử tri Thành phố Hà Nội có ý kiến với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2021, đảm bảo mục tiêu hoàn thành GPMB Khu CNC Hòa Lạc trong giai đoạn 2021-2025.
-
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (Dự án):
Tính đến hết năm 2020, tổng vốn ngân sách trung ương đã bố trí thực hiện Dự án là 2.621.503 triệu đồng, trong đó: 2.246.503 triệu đồng vốn trong nước và 375.000 triệu đồng vốn nước ngoài.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021), theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội bố trí vốn cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 là 1.564.000 triệu đồng vốn trong nước.
Theo văn bản số 1234/KTNN-TH ngày 29/11/2021 của Kiểm toán Nhà nước, tiến độ giải ngân của Dự án rất thấp. Vì vậy, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo tiến độ giải ngân Dự án, tránh trường hợp bố trí vốn nhưng không giải ngân hết số vốn được phân bổ.
Tại văn bản số 322/TB-VPCP ngày 03/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập Tổ Công tác liên ngành để thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, trong đó: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổ trưởng); đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội; kịp thời hướng dẫn hoặc chủ động xử lý, tháo gỡ các vướng mắc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề vượt thẩm quyền./.
[1] Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 về thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
[2] Đường dây nóng và email điện tử của các Tổ công tác đã được công bố trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[3] Báo cáo số 8985/BC-BKHĐT ngày 20/12/2021 về tình hình, kết quả của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư