Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình

1. Nội dung kiến nghị (số 02 tại văn bản số 418/BDN): Theo quy định của Luật Đầu tư thì các trường hợp trúng đấu giá, đấu thầu sẽ không thực hiện chủ trương đầu tư; tuy nhiên, đối với các trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay phải thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư là không phù hợp, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Từ thực tế trên, cử tri đề nghị xem xét nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản, kể cả các trường hợp đấu giá và không qua đấu giá.

Trả lời:

Tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do vậy, trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không gắn với việc đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc trường hợp dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vẫn phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định nêu trên.

2. Nội dung kiến nghị (số 03 tại văn bản số 418/BDN): Luật Đầu tư không quy định rõ việc thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư trước hay đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trước đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất; bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền đất thuê có liên quan đến dự án đầu tư. Cử tri đề nghị xem xét có quy định và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đất đai, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư điều chỉnh, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại Mục 4 Chương IV Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, đề nghị trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Nội dung kiến nghị (số 56 tại văn bản số 418/BDN): Tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu quy định về điều kiện lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu thì: “Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau”. Theo quy định này, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 30% khi tham gia đấu thầu các công trình có vốn đầu từ ngân sách sẽ cạnh tranh không công bằng với các nhà thầu khác. Cử tri đề nghị có hướng dẫn cụ thể (tiêu chí để đảm bảo công bằng) nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 30% tham gia đấu thầu.

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; (ii) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau.

Theo đó, bảo đảm cạnh tranh đối với nhà thầu là doanh nghiệp được căn cứ cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp đó với chủ đầu tư, bên mời thầu cụ thể; không căn cứ tỷ lệ cổ phần, vốn góp của chủ thể nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu./.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư