Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Yên Bái
Nội dung kiến nghị 1 (Số thứ tự 12 theo văn bản số 482/BDN):
Cử tri đề nghị Chính phủ, bộ ngành ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các huyện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo. Hiện nay, huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái thuộc diện được hưởng theo Nghị quyết 30a và được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn là 3.255 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới được đầu tư 293 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với dự án được phê duyệt.
Trả lời:
Căn cứ Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN (bao gồm vốn TPCP) giai đoạn 2016-2020 (đợt 2), trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và bền vững. Đề nghị Tỉnh Yên Bái trên cơ sở số vốn được giao thực hiện các dự án trên địa bàn các huyện 30a (trong đó có huyện Trạm Tấu) theo các quy định của pháp luật và chủ động sử dụng lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các dự án.
Nội dung kiến nghị 2 (Số thứ tự 13 theo văn bản số 482/BDN):
Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì hiện nay thực hiện chính sách này còn có nhiều hạn chế, chưa thực sự là đòn bẩy để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biện khu vực miền núi càng khó thực hiện.
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 210 và đã trình Chính phủ thông qua tại Tờ trình số 2708/TTr-BKHĐT ngày 31/3/2017. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì để hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi Chính phủ thông qua vào Quý IV/2017.
Nội dung kiến nghị 3 (Số thứ tự 3 theo văn bản số 8317/VPCP-QHĐP):
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng cao để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trả lời:
Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư và căn cứ trên các tờ trình, báo cáo của Chính phủ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26/2016/NQ-QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong đó đã xác định tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, trong đó việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công này phải đảm bảo ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trong đó xác định kinh phí đầu tư từ Ngân sách Nhà nước thực hiện 02 CTMTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 239.316,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 104.604,6 tỷ đồng.
Căn cứ trên các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đến từng bộ, ngành địa phương với mức vốn đảm bảo đủ theo yêu cầu của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định về hỗ trợ đối với các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người: Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người và số 2085/QĐ-TTg Đề án hỗ trợ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc ban hành các văn bản thông tư hướng dẫn địa phương xây dựng đề án, rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách và tổng hợp nguồn lực thực hiện.
Các bộ, ngành cũng đã làm việc với một số nhà tài trợ quốc tế để huy động thêm nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chủ chương trình đã xây dựng nội dung Chương trình hỗ trợ thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vay vốn ngân hàng thế giới và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn dự kiến huy động được khoảng 200 triệu USD (tương đương khoảng 4.452 tỷ đồng). Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với Ủy ban Dân tộc thẩm định Chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn hỗ trợ ODA không hoàn lại của Ai – len 12 triệu USD và các dự án hỗ trợ kỹ thuật quy mô nhỏ thực hiện về xóa đói giảm nghèo khác.
Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, các địa phương cũng chủ động bố trí nguồn lực đầu tư trên địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn căn cứ trên khả năng cân đối nguồn lực chung của các địa phương./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư