Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Tiền Giang

Nội dung kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng các chính sách và giải pháp để cải thiện mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong dài hạn chứ không chỉ là đạt được một mức tăng trưởng GDP cụ thể trong ngắn hạn. Cụ thể, Chính phủ nên tập trung vào các giải pháp mang tính dài hạn như cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để người dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và phát triển hơn ữa hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả tiết kiệm ngân sách nhiều hơn nữa và kiểm soát mức lạm phát đảm bảo hợp lý.

Trả lời:

Chính phủ đã thống nhất nhận định rằng nếu không ban hành các giải pháp để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế thì không thể đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%. Chính vì vậy, đi đôi với việc chỉ đạo, triển khai thực hiện những giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, thay đổi động lực tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên và mở rộng vốn đầu tư hiệu quả thấp sang tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả. Các giải pháp này được ban hành và hiện đang được triển khai trong nhiều các văn bản như Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh 2017 định hướng 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, v.v.

Các nhóm giải pháp đưa ra trong các văn bản trên tập trung vào cải cách thể chế, tạo dựng nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và hình thành môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư thuận lợi, khái quát như sau:

- Nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô: Tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém .

- Nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: hoàn thiện thể chế về tài sản và quyền về tài sản và thể chế thị trường các yếu tố sản xuất, đặc biệt thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động; Hoàn thiện chính sách, luật pháp, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; Nghiên cứu, xây dựng thể chế vượt trội cho những địa phương, vùng kinh tế động lực, khu hành chính - kinh tế đặc biệt. (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh. (iii) Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Tạo chuyển biến nhanh và rõ nét trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao năng lực, trình độ quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.

- Nhóm giải pháp phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ: (i) Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; (ii) Xây dựng và thực hiện chính sách nhập khẩu công nghệ; (iii) Xây dựng, vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu và thực hành tốt nhất về năng suất lao động. 

- Nhóm giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế: (i) Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định; Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước; Xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. (ii) Cơ cấu lại thị trường tài chính: Lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng; Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. (iii) Cơ cấu lại đầu tư: Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công. (iv) Cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập: Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; phát triển thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết phù hợp của Nhà nước; sắp xếp lại, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học. (v) Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. (vi) Cơ cấu lại công nghiệp: Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững; Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu. (vii) Cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ: Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, hàng hải, logistics, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, dịch vụ thương mại; dịch vụ giáo dục, đào tạo; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; các loại dịch vụ kiểm toán, tư vấn, pháp lý; Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển du lịch quốc gia, tạo chuyển biến mạnh để đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Nhóm giải pháp phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam: (i) Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh; (ii) Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp chính thức có đăng ký, giảm dần và thu hẹp quy mô kinh doanh phi chính thức; (iii) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp.

- Nhóm giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước: (i) Xây dựng nhà nước quản lý và phục vụ; đồng thời, tăng cường khả năng điều tiết, giám sát, kiểm tra và thanh tra theo mức độ rủi ro và tuân thủ pháp luật của đối tượng quản lý; (ii) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước và xã hội hóa việc xây dựng các dữ liệu thông tin quản lý nhà nước; (iii) Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; (iv) Tăng cường năng lực các cơ quan chức năng quản lý và giám sát thị trường, kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư