Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lâm Đồng
Nội dung kiến nghị 1:
Cử tri Lâm Đồng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét bổ sung vào danh mục và bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 đối với một số dự án cấp bách, quan trọng theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt; các dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhưng chưa được cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016- 2020, gồm:
a) Các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng (Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 14/6/2016 của Văn phòng Chính phủ), đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm xem xét bổ sung danh mục và bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020, cụ thể là: (1) Dự án phát triển Đà Lạt xanh và bền vững với tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng; (2) Dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao Tân Phú (đề nghị hỗ trợ 500 tỷ để thực hiện đầu tư hạ tầng thiết yếu và bồi thường giải phóng mặt bằng).
Trả lời:
- Về đề xuất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tân Phú:
Hiện tỉnh Lâm Đồng đề xuất bố trí 01 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2017 để chuẩn bị đầu tư cho dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng; do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có cơ sở để tổng hợp theo đề nghị của tỉnh Lâm Đồng vào kế hoạch đầu tư trung hạn. Đề nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét bố trí mức vốn hợp lý hơn để triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2016-2020 và để phát huy hiệu nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
- Về chấp thuận chủ trương và cho tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Đà Lạt xanh và bền vững”: tại văn bản số 730/TTg-NN ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về danh mục các dự án khởi công mới trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, trong đó chưa có dự án nêu trên của tỉnh Lâm Đồng. Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tổng hợp dự án như đã nêu của Ủy ban nhân dân của tỉnh Lâm Đồng.
b) Các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng (Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 14/6/2016 của Văn phòng Chính phủ), đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm xem xét bổ sung danh mục và bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020, cụ thể là: (1) Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư dự kiến 494 tỷ đồng; (2) Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Hiệp Thuận, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng; (3) Dự án xây dự hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 958 tỷ đồng).
Trả lời:
- Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư dự kiến 494 tỷ đồng: Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư dự kiến 494 tỷ đồng. Dự án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên tỉnh Lâm Đồng đề nghị đưa dự án hồ chứa nước Đạ Sị thay thế hồ chứa nước Đông Thanh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án hồ chứa nước Đạ Sị với số vốn bố trí trong giai đoạn 2017-2020 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 400 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Hiệp Thuận, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng: Đối với Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Hiệp Thuận, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng là dự án có tổng mức đầu tư lớn, việc triển khai đầu tư dự án cần xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, trong khi nguồn vốn NSTW còn hạn hẹp, khó có khả năng cân đối bố trí để đầu tư các dự án trong giai đoạn 2016-2020 như đề nghị của tỉnh. Do đó, đề nghị tỉnh phân kỳ đầu tư các dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn của NSTW, trước mắt hoàn thành dứt điểm dự án hồ chứa nước Đạ Sị đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu ghi nhận kiến nghị của tỉnh và sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư các dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng khi có điều kiện về nguồn vốn.
- Dự án xây dự hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 958 tỷ đồng): Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 3218/UBND-KH ngày 25/5/2017 trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho dự án từ nguồn kết dư nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016, với tổng mức đầu tư dự kiến là 959 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5706/VCPCP-KTTH gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xử lý theo quy định.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn tăng thu và dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016, do đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính để được giải quyết.
c) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh phía tây thành phố Bảo Lộc, phục vụ khai thác và vận chuyển bô-xít nhôm từ mỏ Tân Rai, huyện Bảo Lâm ra Quốc lộ 20 có tổng mức đầu tư 1.248,2 tỷ đồng (đây là dự án cấp bách nên trong năm 2015 đã được bố trí vốn từ NSTW là 55 tỷ đồng để khởi công).
Trả lời:
Việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc nhằm phục vụ khai thác và vận chuyển bô xít nhôm từ mỏ Tân Rai, huyện Bảo Lâm ra Quốc lộ 20 là cần thiết, dự án đã được giao vốn trong kế hoạch năm 2015 từ nguồn vốn các dự án cấp bách khác của địa phương là 55 tỷ đồng. Trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tỉnh Lâm Đồng không đăng ký vốn cho dự án trên nên không có cơ sở bố trí vốn cho dự án.
d) Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững: Dự án công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà) với tổng mức đầu tư 952 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trưng ương 350 tỷ đồng, còn lại 602 tỷ đồng kêu gọi xã hội hóa); dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn; dự án thực hiện đầu tư theo hình thức PPP; trong trường hợp Trung ương chưa cân đối được vốn thì đề nghị cho sử dụng một phần dự phòng trong NSTW đã thông báo phân bổ cho tỉnh để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, làm cơ sở kêu gọi xã hội hóa. Khi nguồn thu ngân sách Trung ương tăng lên, đề nghị bố trí phần vốn còn lại theo văn bản thẩm định vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trả lời:
Dự án Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây nguyên tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà) có tổng mức đầu tư 952 tỷ đồng, đã được trung ương thẩm định nguồn vốn là 350 tỷ đồng; số còn lại (602 tỷ đồng) thực hiện xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.
Nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương chỉ dùng cho các dự án thiên tai khẩn cấp, phòng chống lụt bão và an ninh quốc phòng; dự án này không thuộc đối tượng sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Trước mắt đề nghị Tỉnh sử dụng nguồn vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và chủ động lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư các dự án.
đ) Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin: Dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử; tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng.
Trả lời:
Căn cứ Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, việc phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu (gồm cả ngân sách trung ương và địa phương) đã được hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 8836/BKHĐT-TH ngày 24/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, các Bộ ngành, địa phương chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án đầu tư theo các chương trình mục tiêu tại địa phương để bố trí vốn phù hợp với tổng số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016 – 2020 được Chính phủ dự kiến giao kèm theo văn bản 8836/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, tại văn bản số 7638/UBND-KH ngày 06/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm đối với các chương trình, dự án của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng không đề xuất bố trí vốn cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin; đồng thời dự án “Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử” được nêu trong kiến nghị của cử tri chưa có các thủ tục trình xem xét chủ trương đầu tư và thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn theo quy định hiện hành. Hiện nay, Chính phủ chưa có chủ trương về việc xử lý nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nên đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, chủ động cân đối bố trí trong tổng số vốn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện dự án.
Nội dung kiến nghị 2:
Về Chương trình di dân tự do: Tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Lâm Đồng đang là vấn đề rất bức xúc của địa phương; để từng bước tổ chức sắp xếp dân cư, giải quyết đất sản xuất, ổn định cuộc sống của bà con di cư tự do, quản lý rừng và đất rừng theo chủ trương “đóng cửa rừng” của Chính phủ, cử tri kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét có những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này, trong đó có việc giải quyết định canh, định cư các hộ đồng bào DTTS di cư tự do tại các Tiểu khu 178, 179, 180, 181 thuộc xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét bố trí vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 cho 05 dự án với số vốn 199,65 tỷ đồng để triển khai đâu tư sắp xếp, bố trí ổn định dân di cư tự do, cụ thể:
- Dự án quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do thôn Đạ M’Pô, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, để ổn định 200 hộ dân di cư tự do; tổng mức đầu tư của dự án là 84,34 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 50,454 tỷ đồng, kinh phí Trung ương đã bố trí 10 tỷ đồng, đề nghị Trung ương tiếp tục bổ sung vốn 35,41 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án.
- Dự án bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A, B, huyện Đạ Tẻh với tổng mức đầu tư 32,2 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương 20,1 tỷ đồng, vốn huy động nguồn vốn khác và chương trình lồng ghép 12,1 tỷ đồng).
- Dự án điểm dân cư Đưng K’Nớ 5, xã Đưng K’Nớ, huyên Lạc Dương với tổng mức đầu tư 35,77 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 26,16 tỷ đồng, vốn huy động nguồn vốn khác và chương trình lồng ghép 9,61 tỷ đồng).
- Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tây Sơn, thôn Tây Sơn, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư 76,78 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương 59 tỷ đồng, vốn huy động nguồn vốn khác và chương trình lồng ghép 17,78 tỷ đồng).
- Dự án ổn định dân di cư tự do xóm Bến Tre, thôn R'Lơm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư 60,33 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương 58,98 tỷ đồng, vốn huy động nguồn vốn khác và chương trình lồng ghép 1,35 tỷ đồng).
Trả lời:
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều dự án dân di cư tự do cấp bách. Những năm qua, ngân sách Trung ương cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí cho Tỉnh để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư (năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ đã cho Tỉnh ứng 100 tỷ đồng để thực hiện các dự án dân di cư tự do cấp bách); nhưng nhu cầu của Tỉnh đầu tư cho các dự án còn rất lớn.
Đề nghị Tỉnh rà soát lại dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công. Trước mắt sử dụng nguồn vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và chủ động lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đề xuất của Tỉnh, đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định bổ sung vốn đầu tư cho các dự án trên tại văn bản số 3809/BKHĐT-KTNN ngày 09/5/2017 và văn bản số 7221/BKHĐT-KTNN ngày 01/9/2017. Đề nghị Tỉnh phối hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nội dung kiến nghị 3:
Đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án cấp bách quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, cụ thể: (1) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai ngoài thành phố Đà Lạt với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng; (2) Xây dựng đường ĐT.729 nối huyện nông thôn mới Đơn Dương với huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 995 tỷ đồng (3) Xây dựng Trường Chuyên Lâm Đồng với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng; (4) Bệnh viện y học cổ truyền Bảo Lộc với tổng mức đầu tư 121,71 tỷ đồng; (5) Bệnh viện y học cố truyền Phạm Ngọc Thạch với tổng mức đầu tư 78,8 tỷ đồng (Dự án (4) và (5) nâng cấp quy mô giường bệnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 thuộc danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020).
Trả lời:
Về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai ngoài thành phố Đà Lạt với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng và dự án Xây dựng đường ĐT.729 nối huyện nông thôn mới Đơn Dương với huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến 995 tỷ đồng: hiện tại kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã được tỉnh dự kiến phân bổ chi tiết thanh toán một phần vốn ứng trước ngân sách trung ương và phân bổ cho các dự án chuyển tiếp, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 nên hiện tại chưa có nguồn phân bổ cho các dự án trên. Trước mắt đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng rà soát quy mô, cân nhắc tính cấp thiết của dự án bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện dự án. Ngoài ra làm việc với Bộ Giao thông vận tải để được xem xét đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai ngoài thành phố Đà Lạt.
Về dự án xây dựng Trường chuyên Lâm Đồng với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng: tại văn bản số 9736/BKHĐT-TH ngày 21/11/2016 về danh mục các dự án, dự kiến vốn, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn 2017-2020 trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ dành để thực hiện Chương trình kiến cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa không có nội dung đầu tư trường chuyên. Do đó, việc đề xuất bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng trường chuyên Lâm Đồng nêu trên chưa phù hợp với đối tượng của Chương trình kiến cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp trình cấp thẩm quyền thông qua một số Chương trình, Dự án hỗ trợ cho giáo dục phổ thông sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2016-2020 như Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 3… Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để được tổng hợp nhu cầu trong các Chương trình, Dự án nêu trên.
Về dự án Bệnh viện y học cổ truyền Bảo Lộc với tổng mức đầu tư 121,71 tỷ đồng; Bệnh viện y học cố truyền Phạm Ngọc Thạch với tổng mức đầu tư 78,8 tỷ đồng: tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 09/7/2015 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2015 quy định kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020: “Các chương trình, dự án mới chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án lớn trong 3 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện trung ương và một số địa phương từ khi đổi mới đến nay chưa được đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh”. Như vậy, các bệnh viện y học cổ truyền không thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Do đó, trong quá trình tổng hợp nhu cầu, giao kế hoạch vốn trung hạn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2017-2020, 02 dự án trên không thuộc danh mục các dự án được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.
Nội dung kiến nghị 4:
Để kịp thời bố trí vốn triển khai các chương trình dự án, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, cử tri để nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh điều tiết nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng từ các lưu vực khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh để có mức chi các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đảm bảo hợp lý, công bằng, góp phần đảm bảo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trả lời:
Thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng. Đề nghị Tỉnh phối hợp và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Chính phủ sửa đổi bổ sung nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư