Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung kiến nghị (số 14 tại văn bản số 685/BDN):

Trong vấn đề phát triển kinh tế, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, làm nòng cốt trong giải quyết lao động, phát triển kinh tế tự chủ; tập trung cải cách các thủ tục hành chính trong xây dựng nhà xưởng, tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thu hút khởi nghiệp và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

Trả lời:

Với vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước với trên 97% số lượng doanh nghiệp cả nước, năm 2017 Quốc Hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Tiếp đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các nhóm giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV mang tính toàn diện, bao trùm, gồm 8 nhóm giải pháp hỗ trợ chung và 3 nhóm giải pháp hỗ trợ trọng tâm nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ công nghệ, ươm tạo, hỗ trợ mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn, pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia vào các chuỗi liên kết...

Sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các nội dung hỗ trợ của Luật. Đến nay, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cơ bản đã được hoàn thiện với 05 Nghị định, 13 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác để triển khai các nội dung theo quy định của Luật. Các địa phương đã ban hành 581 Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV theo các nội dung của Luật.

Một số kết quả trong công tác hỗ trợ DNNVV như:

- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh thông qua điều hành đồng bộ, linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng; quy định lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV[1]. Các Ngân hàng thương mại đã chủ động cải thiện thủ tục, tạo thuận lợi cho các DNNVV vay vốn.

- Về hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm trong đó có bố trí đất để phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, thuỷ sản, hải sản tập trung cho DNNVV. Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Hỗ trợ DNNVV về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV; nhiều địa phương đã tích cực, chủ động ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tính đến 30/3/2021, có 17 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch cụ thể hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV[2] như: tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 về hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, các DNNVV sẽ được ngân sách của tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá; diện tích hỗ trợ tối đa là 10.000m2 và số tiền hỗ trợ tối đa là 100.000.000 đồng/doanh nghiệp/năm. Tỉnh Ninh Thuận bố trí 975 ha để hình thành, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, thủy sản, hải sản dành riêng cho DNNVV; trong 3 năm 2018 - 2020, đã giao đất cho 128 tổ chức/156 vị trí đất/3.632 ha, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có mặt bằng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định cho 56 DNNVV thuê đất với diện tích 1.316,76 ha để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Thành phố Hà Nội quy hoạch cụm công nghiệp có xét đến năm 2030 là 159 cụm với diện tích 3.204,31 ha; hiện đã có 70 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích 1.328,6 ha, hỗ trợ cho 3.600 DNVVV về mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tỉnh Thanh Hóa đã ký Hợp đồng thuê đất với 449 DNNVV với diện tích 1.124,2 ha trong 3 năm 2018 - 2020; đến nay, có 33/74 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích đất là 1.001,9 ha.

- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Hằng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, tổ chức và Hiệp hội, tổ chức hàng trăm lớp đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp thu hút hàng vạn lượt lao động tham gia; một số thành phố lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng bố trí hàng chục tỷ đồng/năm cho công tác này. Hệ thống đào tạo trực tuyến cho DNNVV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng từ năm 2018 đến nay đã cung cấp 46 chuyên đề đào tạo bao gồm hơn 700 clip với các nội dung về khởi nghiệp sáng tạo, marketing số, quản trị tài chính, kế toán, nhân sự, quản trị sản xuất, tư duy chiến lược…; thu hút 7.000 tài khoản học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập, trải nghiệm các chuyên đề đào tạo.

- Hỗ trợ mở rộng thị trường: Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường được Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố hết sức quan tâm và có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ hơn 700 đề án cho 30.000 lượt DNNVV tham gia. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương đã kịp thời ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ DNNVV mở rộng thị trường, giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức cao[3]. Điểm mới trong công tác này là hoạt động hướng dẫn DNNVV tham gia ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế. Qua các hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp đã thu được kết quả khả quan trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ở các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sơn La, Long An… có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ đưa sản phẩm của DNNVV vào chuỗi phân phối trong ngoài nước.

- Hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý: Các bộ, địa phương đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều sự kiện trực tiếp và trực tuyến để cập nhật cho DNNVV về Hiệp định EVFTA, CPTPP, các thông tin về tiếp cận thị trường và đánh giá tác động đối với DNNVV khi thực hiện Hiệp định. Về hỗ trợ tư vấn, các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp đã xây dựng và công khai mạng lưới tư vấn viên của ngành để hỗ trợ DNNVV tiếp cận, sử dụng dịch vụ tư vấn. Bộ Tư pháp và các Bộ ngành cũng tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ.

- Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi:

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, trong đó các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khóa chiếm 83% tổng gói hỗ trợ (gồm các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đầu tư phát triển y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng...), chính sách tiền tệ chiếm 14% (bao gồm tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất...) và các hỗ trợ khác 3%. Đây là chương trình cần thiết trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp và gặp nhiều khó khăn, tạo ra động lực cho phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau Covid-19, trong khuôn khổ Chương trình phục hồi kinh tế, các bộ, ngành đã nỗ lực trình Chính phủ ban hành các văn bản để hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ lãi suất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiêp, tiền thuê đất như: Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/3/2022 về gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 .

Tính đến hết tháng 7, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: số tiền thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hoá, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước./.



[1]. Ngân hàng nhà nước có 4 lần điều chỉnh giảm mức lãi suất ngày với tổng mức giảm là 2%/năm, thấp hơn từ 1-1,5% đối với lĩnh vực cho vay thông thường trong giai đoạn 2018 - 2020.

[2]. Bao gồm các địa phương: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Thuận, Ca Mau, Đắc Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

[3] Giai đoạn 2016 - 2019, Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng với trên 30.000 lượt DNNVV tham gia. Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư