Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh
Nội dung kiến nghị (câu 14 tại văn bản số 5060/VPCP-QHĐP):
(1) Cử tri kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công tác đấu thầu mua sắm tài sản công, trang thiết bị trường học, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, trong xây dựng cầu đường, công trình văn hóa thể dục thể thao, trụ sở cơ quan Nhà nước… không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, tham ô tham nhũng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, quyền lợi của người dân.
(2) Cử tri kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho tất cả các tỉnh, thành xây dựng được các khu công nghiệp, nhà máy, tạo việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương, người lao động sẽ không phải đi nơi khác sinh sống, giảm tải cho các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,…
(3) Cử tri kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương để tập trung hoàn thành việc xây dựng “quy hoạch cấp quốc gia” và “quy hoạch vùng” để làm căn cứ xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh và cũng là căn cứ để xây dựng “chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, Chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị” để thực hiện định hướng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
(4) Cử tri kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty tư nhân đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật cao để các doanh nghiệp trong nước có thể có điều kiện đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ ngang tầm với các nước trong khu vực, làm nền tảng để phát triển kinh tế của đất nước.
Trả lời:
1. Về cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công tác đấu thầu mua sắm tài sản công
Tại khoản 4 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định đối với việc mua sắm tài sản công như sau: “Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. Do vậy, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công không quy định chi tiết về công tác đấu thầu mua sắm tài sản công mà quy định thực hiện theo pháp luật về đấu thầu để tránh chồng chéo.
Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương cho thấy những tiêu cực xảy ra trong đấu thầu mua sắm các lĩnh vực trong thời gian qua chủ yếu phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về đấu thầu (cố ý làm trái quy định, thông đồng nâng khống giá vật tư, trang thiết bị, nhận hối lộ...).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi theo hướng hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, giảm thiểu hạn chế trong thi hành pháp luật đấu thầu, cụ thể như sau: (i) Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu; (ii) Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền; (iii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư trong hoạt động đấu thầu.
2. Về các chính sách tạo điều kiện cho tất cả các tỉnh, thành xây dựng được các khu công nghiệp, nhà máy
Tại khoản 2 Điều 19 Luật Đầu tư quy định: “Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và vốn tín dụng ưu đãi để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Điều 22 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 (thay thế các Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP…) đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, theo đó, khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. Ưu đãi đầu tư đối với địa bàn khu công nghiệp quy định tại pháp luật về đầu tư được áp dụng kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập. Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc mua, thuê mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu công nghiệp, khu chức năng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 23 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã quy định về phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài ra, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động trong các khu công nghiệp có thể mua, thuê nhà ở xã hội.
Do đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp để khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước. Đến nay đã hình thành 403 khu công nghiệp tại 61/63 tỉnh, thành phố[1].
Việc quy hoạch và thành lập mới các khu công nghiệp tại các địa phương cần phù hợp với phương hướng xây dựng khu công nghiệp được tích hợp vào quy hoạch vùng và phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp được tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phương hướng xây dựng khu công nghiệp, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp và việc lập danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
3. Về công tác quy hoạch
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương “…Ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022”.
4. Về nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty tư nhân đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật cao
Hiện nay, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty tư nhân đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật cao đã được quy định trong Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020, Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trong đó:
Về quy định đối tượng, ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, tại điểm đ khoản 2 Điều 15 và khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm: “Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ...” và ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm: “Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ”. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có hoạt động công nghệ cao được hưởng chính sách ưu đãi theo các hình thức quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư.
- Về ưu đãi thuế suất, điều 13, 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định về ưu đãi thuế suất đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao...
Ngoài ra, Điều 20 Luật Đầu tư, khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ CP của Chính phủ và Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, trong đó tiêu chí về công nghệ cao là một trong những tiêu chí để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Các chính sách ưu đãi này áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
[1] Tỉnh Lai Châu và Điện Biên chưa có khu công nghiệp được thành lập.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư