Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng

Nội dung kiến nghị 1:

a. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa đối với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực này, đặc biệt là các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế…

b. Cử tri đề nghị, ngoài GDP cả nước cần phải tính GDP từng khu vực, trong đó có khu vực miền núi để có chính sách đầu tư phát triển phù hợp.

Trả lời:

a. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ban ngành triển khai nhiều nội dung đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 104.605 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư là 72.817 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 với tổng kinh phí thực hiện Chương trình: 48.397 tỷ đồng, (Ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng). Gồm 3 nội dung: (1) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (3) Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn.

b. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu vĩ mô, sử dụng cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Khi đề cập ở phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì sử dụng khái niệm tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP). Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang biên soạn chỉ tiêu GRDP trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân theo ngành kinh tế, không biên soạn chỉ tiêu GRDP phân theo khu vực, vùng hay miền. Tuy vây, dựa trên các thông tin thống kê mà Tổng cục Thống kê đang quản lý thì chỉ tiêu GRDP có thể biên soạn ở phạm vi phân theo khu vực, trong đó có khu vực miền núi.

Nội dung kiến nghị 2:

Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, phát triển ngành Công nghệ cao và ngành Công nghiệp nặng để làm nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác trong thời gian đến.

Trả lời:

Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, Luật này quy định về hoạt động công nghệ cao, chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ tự động hóa.

Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về  phát triển công nghiệp hỗ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ chủ yếu ở 6 lĩnh vực: ngành dệt may; da - giày; điện tử; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam với sản phẩm công nghiệp hỗ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu đáp ứng 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 02 Quyết định, trong đó bao gồm: (1) Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; (2) Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung của Chiến lược và Quy hoạch đã định hướng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao./.

 

 

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư