(MPI) - Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ngày 20/9/2023, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định, biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành; các chuyên gia-ủy viên phản biện và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Bí thư Thường trực Phạm Hoàng Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Vĩnh Phúc là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, là đầu mối các tuyến giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Do vậy, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng, khu vực và quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua Quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân; có vị trí quan trọng đối với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội và với quốc gia; các kết nối hạ tầng giao thông liên vùng tương đối đồng bộ, là những điều kiện vô cùng thuận lợi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và địa phương.
Thứ trưởng cũng chấn mạnh đến những thuận lợi trong bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua quy hoạch như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tổng thể quốc gia;…
Đồng thời cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết như GRDP đầu người của Vĩnh Phúc vẫn ở nhóm trung bình vùng Đồng bằng sông Hồng, chưa đạt theo kỳ vọng đặt ra. Độ mở và tính liên kết của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, là vệ tinh tương trợ, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa và phát triển thương mại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp. Thu hút vốn đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thiếu vắng những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, do đó, tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các khu công nghiệp, công nghệ cao tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảm đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Do vậy, muốn phát triển vững mạnh, tỉnh Vĩnh Phúc cần xác định rõ được các tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh dẫn đầu vùng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh
Theo báo cáo quy hoạch được trình bày tại Hội nghị, tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phát huy tốt lợi thế phát triển vùng, vành đai công nghiệp Bắc Giang- Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Phú Thọ trở thành động lực tăng trưởng của cả vùng; Giữ vị thế của một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; Phát triển tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với nhu cầu phát triển trong tương lai.
Quy hoạch đưa ra ba đột phá trong phát triển. Một là, khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là nâng cao năng suât, chât lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Ba là, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch với chất lượng cao nhất
Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã nghe cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến của các thành viên, ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định về quy hoạch, ý kiến tổng hợp từ Hội nghị tham vấn đối với kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia về quy hoạch, kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch và nghe ý kiến của đại diện một số Bộ, ngành về hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá cao công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ quy hoạch trình thẩm định đã đầy đủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đồng thời tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể để giúp Vĩnh Phúc có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất. Theo đó, đại biểu cho ý kiến về sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND thành phố và cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Các ý kiến cũng tập trung đánh giá vào vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia; Xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của tỉnh trong kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; Các ngành ưu tiên và các định hướng mới tạo đột phá phát triển; Tổ chức phân bố không gian của tỉnh trong kỳ quy hoạch; Phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch.
Về phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh, đại biểu đề nghị làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Vĩnh Phúc đối với vùng Đồng bằng sông Hòng và là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh lên phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Bổ sung đánh giá làm rõ ảnh hưởng của các yếu tố, điều kiện xã hội, văn hóa, mang tính đặc thù lên quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm rõ những yêu tố ảnh hưởng tích cực, yếu tố cản trở quá trình phát triển; bổ sung nội dung về vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia và các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế.
Về quan điểm phát triển, đại biểu đề nghị nhấn mạnh, xác định các yếu tố “khai thác tối đa tiềm năng của Vĩnh Phúc” giai đoạn trước chưa thực hiện. Nghiên cứu phát triển Vĩnh Phúc theo hướng sớm trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập cao, phát triển theo hướng khác biệt riêng có của tỉnh; bổ sung quan điểm mang tính bứt phá, năng động phải làm “động lực phát triển hàng đầu”, “phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước” như Nghị quyết 30-NQ/TW.
|
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Xây dựng quy hoạch cơ hội để tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá và nhận diện các điều kiện phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc xác định quy hoạch tỉnh có vai trò rất quan trọng, là hành lang pháp lý quan trọng để từ đó hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc lập quy hoạch lần này là cơ hội để tỉnh tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá các điều kiện tự nhiên, đánh giá các nguồn lực phát triển và nhận diện các vấn đề mấu chốt, các điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Từ đó, đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, nhất là việc phân bổ không gian, nguồn lực phát triển. Quy hoạch là cơ sở cụ thể hóa khát vọng, quyết tâm phát triển trên địa bàn của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong suốt thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành để sau khi quy hoạch được phê duyệt từng bước hiện thực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, bà Hoàng Thị Thúy Lan cảm ơn các ý kiến góp ý quý báu của các đại biểu và khẳng định, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, thành viên Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch với chất lượng cao nhất để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đồng thời nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu đã gợi mở rất nhiều vấn đề, những định hướng quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thống nhất một số nội dung được Hội đồng nêu và cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung quy hoạch đã thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới và khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ giữa định hướng phát triển của tỉnh và việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội.
Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đã đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Quy hoạch; đồng thời, kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc theo ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia phản biện, ý kiến của các chuyên gia tại Hội nghị tham vấn về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; trong đó tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung liên quan đến vị thế, vai trò của tỉnh là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang với Thủ đô Hà Nội trong chuỗi liên kết hợp tác kinh tế; có có lợi thế về hạ tầng giao thông; là trung tâm công nghiệp lắp ráp ô tô xe máy, linh kiện bán dẫn; xác định rõ thêm “điểm nghẽn” phát triển trong kỳ quy hoạch.
Rà soát, xem xét lại các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển của Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 30NQ/TW, Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời, bổ sung luận chứng về các ngành ưu tiên, định hướng mới, tạo đột phá phát triển và tổ chức phân bố không gian phát triển; Về tổ chức phân bố không gian phát triển; Phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch; về chỉ tiêu sử dụng đất;…
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương lập Báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, ngành, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự Hội nghị thẩm định, ý kiến của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và kết luận của Hội đồng thẩm định. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư