Nội dung kiến nghị (số 01 tại văn bản số 750/VPCP-QHĐP): Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung cho thống nhất giữa Luật Hợp tác xã năm 2012 với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về việc kết nạp thành viên mới của các Quỹ tín dụng Nhân dân. Bởi vì hiện nay, việc kết nạp thành viên theo quy định phải thông qua Đại hội thành viên, do đó các Quỹ tín dụng Nhân dân gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến việc kết nạp các thành viên của Quỹ tín dụng thời gian gần đây bị chững lại. Nguyên nhân chững lại là vì, do việc kết nạp thành viên phải thông qua Đại hội thành viên là do có sự chưa thống nhất giữa Luật Hợp tác xã năm 2012 tại khoản 7 Điều 36 quy định việc kết nạp thành viên thuộc quyền và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, còn theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 tại khoản 2 Điều 80 thì việc kết nạp thành viên của Quỹ tín dụng Nhân dân thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Đại hội. Bởi quy định giữa 02 Luật nêu trên chưa có sự thống nhất nên làm cho Quỹ tín dụng Nhân dân rất khó khăn trong quá trình thu hút được kết nạp thành viên mới.
Trả lời:
- Liên quan đến quy định của Luật Hợp tác xã: Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã”.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung kiến nghị của cử tri trong quá trình tổng kết thi 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): “2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này”.
Căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã liên quan đến thẩm quyền phê duyệt kết nạp thành viên mới của Quỹ tín dụng Nhân dân thì sẽ áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện tại, Luật Các tổ chức tín dụng đang trong quá trình tổng kết thi hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư