1. Nội dung kiến nghị (số 11 tại văn bản số 685/BDN):
Tại khoản 5 Điều 56 Luật Đầu tư công quy định “Trước ngày 25 tháng 7 hằng năm, Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau”; tại khoản 6, điều 56 của Luật Đầu tư công quy định: “Trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính”. Theo quy định trên, việc dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau phải có ý kiến của Hội đồng nhân dân thông qua trước khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau có thời gian thực hiện rất ngắn, yêu cầu phải thực hiện ngay, trong khi quy trình để trình kỳ họp Hội đồng nhân dân phải qua nhiều bước, cần nhiều thời gian chuẩn bị, sẽ không đảm bảo thời gian theo quy định. Do đó, đề nghị nghiên cứu trình sửa đổi các quy định nêu trên theo hướng giao Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp thông qua và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất các nội dung cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công: Trước ngày 31 tháng 7 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau với tổng mức vốn đầu tư công dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau.
Đồng thời, khoản 8 Điều 55 Luật Đầu tư công quy định: Từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 30 tháng 4 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Như vậy, theo quy định của Luật Đầu tư công, khoảng thời gian từ khi Thủ tướng Chính phủ thông báo mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến cho giai đoạn sau (trước ngày 31/7 năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn) đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thẩm định (từ ngày 01/02 đến ngày 30/4 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư trung hạn) là 09 tháng nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có đủ thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2021-2025, việc thông báo vốn chậm là do nguyên nhân khách quan như thời điểm giao thời giữa Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và Luật số 39/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành năm 2020) và do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên việc xác định nguồn thu và khả năng bố trí vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công trong 5 năm 2021-2025 gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian trước khi có thể thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây là khó khăn đặc thù riêng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
2. Nội dung kiến nghị (số 12 tại văn bản số 685/BDN):
Đề nghị nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 theo hướng: Hội đồng nhân dân các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau. Việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với toàn bộ nguồn ngân sách địa phương (bao gồm cả phần vốn phân cấp cho cấp dưới điều hành) theo quy định hiện hành mất nhiều thời gian, có thể gây chậm trễ trong việc giải ngân kế hoạch vốn.
Trả lời:
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm trong giai đoạn vừa qua có nhiều nguyên nhân, khách quan, chủ quan, trong đó có quy định về việc giải ngân kế hoạch đầu tư công 02 năm quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014. Vì vậy, khi ban hành Luật Đầu tư công năm 2019, Quốc hội đã quy định thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là 1 năm và thẩm quyền quyết định việc kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với vốn ngân sách địa phương. Quy định này nhằm tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm việc giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao hằng năm, hạn chế tình trạng kéo dài kế hoạch. Song song với việc quy định giải ngân vốn 01 năm và hạn chế tình trạng kéo dài kế hoạch năm, Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp rất mạnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc phân bổ, điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm giữa các dự án trong nội bộ đơn vị mình, tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn được giao./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư