Nội dung kiến nghị (số 13b tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP):
Cử tri cho rằng, trước những diễn biến phức tạp, khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp và người lao động. Đề nghị trong thời gian tới Đảng, Nhà nước tiếp tục đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nói chung.
Trả lời:
1. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 1/2020 đến nay, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã thường xuyên, liên tục ban hành nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các giải pháp, chính sách về tài chính, tiền tệ, lao động việc làm, an sinh xã hội... được các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất ban hành một cách liên tục, hiệu quả, trên cơ sở đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch.
2. Trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến dịch Covid vẫn phức tạp, khó lường, từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương đã tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, điển hình như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021; Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện,…
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế[1]. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3618/VPCP-TH ngày 31/5/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình hiện nay, theo tiến độ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2021.
[1] - Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ tiếp tục đặt ra nhiệm vụ: “Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí...) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành vụ, du lịch, hàng không…”.
- Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 10/03/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã giao các bộ, ngành đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cụ thể: (i) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xúc tiến du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát; (ii) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư