Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa

Ngày 07/06/2021 - 14:37:00 | 130 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 13a tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP):

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm tham mưu những quyết sách để đón dòng đầu tư từ các nước sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt có các giải pháp để đảm bảo gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng địa chỉ. Nghiêm trị những hành vi trục lợi từ chính sách này như đã từng xảy ra khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trả lời:

(1) Các giải pháp nhằm đón dòng đầu tư từ các nước sau đại dịch Covid-19:

 Từ kết quả của quá trình hội nhập và tiến trình tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và đại dịch Covid-19, Việt Nam đang có cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các Tập đoàn đa quốc gia. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một số giải pháp để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như sau:

- Hoàn thiện pháp luật, chính sách với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động đầu tư nước ngoài.

- Cải thiện thủ tục đầu tư, kinh doanh theo hướng giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án lớn dịch chuyển, tái định vị sản xuất để sớm đi vào hoạt động; tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ với phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thu hút đầu tư nước ngoài:

+ Về điều kiện mặt bằng sản xuất: Rà soát, chuẩn bị điều kiện mặt bằng sản xuất: thu hồi, tạo quỹ đất từ các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả; xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp-khu kinh tế đã sẵn sàng hạ tầng, nhân lực, năng lượng… để tiếp nhận ngay các dự án đầu tư; rà soát, xem xét bổ sung quy hoạch KCN để đón dòng vốn FDI mới.

+ Về nguồn nhân lực: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành nghề như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo; đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI; xây dựng cơ sở dữ liệu về danh sách các lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.

+ Về công nghiệp hỗ trợ: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

+ Về điều kiện năng lượng: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; nghiên cứu cơ chế, chính sách theo hướng cho phép tư nhân trong nước tham gia đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện; xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

+ Về ưu đãi đặc biệt: Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án chọn lọc, có chất lượng.

+ Về cải cách thủ tục hành chính: Rà soát để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản.

+ Về tăng cường năng lực nội tại doanh nghiệp trong nước: Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) kết nối với các tập đoàn và mạng lưới các trí thức trẻ người Việt trên toàn thế giới nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

+ Về Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17/6/2020: Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác để thu hút các dự án lớn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

(2) Các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp:

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 1/2020 đến nay, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã thường xuyên, liên tục ban hành nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các giải pháp, chính sách về tài chính, tiền tệ, lao động việc làm, an sinh xã hội... được các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất ban hành một cách liên tục, hiệu quả, trên cơ sở đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch.

Trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp, khó lường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021; Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện… Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được Chính phủ ban hành, cụ thể như:

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, đặt ra nhiệm vụ: “Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí...) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành vụ, du lịch, hàng không…”

- Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 10/03/2021, giao các bộ, ngành đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, các Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 10/3/2021, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01/4/2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ đã giao các bộ, ngành một số nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như sau:

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xúc tiến du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát;

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh;

Như vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Các chính sách được nghiên cứu bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ đúng đối tượng. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại văn bản số 3618/VPCP-TH ngày 31/5/2021, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình hiện nay, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2021.

(3) Đối với những hành vi trục lợi chính sách

Các khoản chi phòng, chống Covid-19 từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 19, khoản 6 Điều 25, khoản 6 Điều 30, khoản 5 Điều 31 Luật NSNN, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện NSNN.

Để cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ cho người dân, phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát, hàng tháng, Bộ Tài chính đều thực hiện Thông cáo báo chí trên Cổng Thông tin điện tử về kết quả thực hiện NSNN của tháng, lũy kế đến thời điểm báo cáo, trong đó cập nhật thông tin về kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác; số liệu chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đối với các hành vi trục lợi từ chính sách sẽ được xử lý theo quy định hiện hành.

2. Nội dung kiến nghị (số 14 tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP):

Cử tri cho rằng việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm trong khi tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu; công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn hạn chế bất cập; việc triển khai một số công trình trọng điểm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Vì vậy cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ giải quyết những hạn chế, bất cập nhằm đưa đất nước ngày càng phát triển, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Trả lời:

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ là phải tập trung nghiên cứu, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021. Chương trình hành động bao gồm những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Đây là các nhiệm vụ, đề án lớn, có tính cấp thiết cao, mang tính dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, với yêu cầu nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan Trung ương và địa phương phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, chương trình, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo cùng với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động riêng của bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ thường xuyên đánh giá kịp thời và chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham mưu, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác