Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình

Ngày 30/12/2021 - 15:56:00 | 100 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 68 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ như: giãn nợ, giảm lãi suất, miễn, giảm thuế, tái cơ cấu vốn vay cho các doanh nghiệp, kích hoạt các gói cứu trợ, miễn, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và Nhân dân, để giúp doanh nghiệp và Nhân dân phục hồi kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trả lời:

1. Các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

- Về miễn, giảm thuế: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15 ngày 19/10/2021 trong đó quy định 04 giải pháp về miễn, giảm thuế gồm: (i) Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (ii) Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (iii) Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; (iv) Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Nghị quyết có hiệu lực ngay kể từ ngày ký (ngày 19/10/2021). Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm 30% tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để các giải pháp được ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân[1].

- Về hỗ trợ cho người lao động: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

- Về giảm giá điện hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19: Sau khi xem xét, đánh giá trực tiếp tác động của dịch Covid-19 đến đời sống của người dân, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp sản xuât kinh doanh cũng như xem xét hỗ trợ cho các cơ sở tuyến đầu chống dịch là các cơ sở cách ly y tế tập trung trên cả nước, trên cơ sở khả năng cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện khoảng hơn 16.650 tỷ đồng. Việc giảm tiền điện thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ và Bộ Công Thương, góp phần khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu, phục vụ người dân.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực hiện chính sách giảm giá điện giảm tiền điện cũng như cơ chế điều hành giá điện năm 2021 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cân đối tình hình tài chính năm 2021 của EVN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất cho vay: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021, theo đó mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022[2].

- Về vay vốn ưu đãi: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người lao động.

- Về tín dụng[3]:

+ Kịp thời ban hành chính sách và chỉ đạo các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động tiêu cực bởi đại dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề (như các Thông tư của NHNN số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021).

+ Chỉ đạo các TCTD tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; tập trung dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

+ Triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo các Nghị quyết của Chính phủ số 68/NQ-CP và số 126/NQ-CP, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm.

- Về lãi suất: NHNN giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5- 2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 04 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly toàn xã hội.

- Ngoài các giải pháp về lãi suất, tín dụng, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã thực hiện các biện pháp như:

+ Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; Công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; Đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (như Internet Banking, Mobile Banking,...) trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng[4]...

+ Rà soát, nghiên cứu giảm các mức phí trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, một số ngân hàng đã cắt bỏ nhiều loại phí cho vay như: Phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết...

+ Tích cực tham gia các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại các địa phương, nhất là tại những thời điểm không thực hiện giãn cách xã hội, nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

+ Vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay với nhiều tiện ích để kết nối khách hàng vay và TCTD qua website (https://www.cic.gov.vn) và ứng dụng điện thoại thông minh, hỗ trợ khách hàng vay có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng tại các TCTD.

Để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Chương trình đã được trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất năm 2022. Đây là Chương trình có quy mô tổng thể đủ lớn, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính cho doanh nghiệp.

- Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó:

+ Về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã bổ sung và quy định cụ thể hơn một số giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV trong điều kiện mới như: hỗ trợ tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, sản xuất trong doanh nghiệp...; mở rộng nội dung và điều chỉnh định mức hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp về nhân sự, thị trường, sản xuất,… để tiệm cận hơn với các chi phí trên thị trường.

+ Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhằm đưa các chính sách hỗ trợ này đi vào cuộc sống. Theo đó:

Các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo huấn luyên chuyên sâu trong nước và nước ngoài; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo

Các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ; hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.

2. Đối với quản lý ngành công nghiệp, đang tiếp tục thực hiện

- Đề xuất kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế.

- Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp và các dự án có vốn FDI, nhất là doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota,…Tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, linh kiện trong nước thay thế nguồn nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn ngành công nghiệp, phấn đấu hoàn thành các dự án đúng tiến độ trong năm 2022; quyết liệt xử lý những dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

- Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định năm 2022. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ, bảo đảm tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Tập trung hoàn thiện quy định về đấu thầu các dự án điện gió, điện mặt trời. Nghiên cứu, phát triển các giải pháp xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả.

- Hoàn thành phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành quốc gia theo đúng tiến độ, xây dựng giải pháp thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao.

- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập siêu, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước./.


[1] Số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó: nhóm giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành là hơn 118 nghìn tỷ đồng; nhóm giải pháp miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP cùng giải pháp giảm 30% tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg nêu trên là hơn 20 nghìn tỷ đồng.

[2] Tính đến cuối tháng 10/2021, NHNN và các TCTD đã triển khai thực hiện được một số kết quả sau: (1) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/01/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng; (2) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 10 năm 2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng; (3) Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng; Riêng NHCSXH (tính đến 17/10/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 258.947 khách hàng với dư nợ 6.063 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 khách hàng với số tiền 129.758 tỷ đồng; (4) Thực hiện hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển, ngày 08/10/2021 NHNN có văn bản số 7205/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới, hạ lãi suất,...; (5) Giảm giá điện: Tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng; (6) Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ ngày 5/8/2021. Số liệu (ước tính) sơ bộ các dịch vụ hỗ trợ đang thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng.

[3] Tính đến ngày 10/11/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,87% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 6,89% của cùng kỳ 2020.

[4] Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; tổng số tiền lãi lũy kế TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác