Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang

Ngày 07/06/2021 - 17:17:00 | 147 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 30 tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP):

Kiến nghị cần có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tăng tính chủ động của ngành, địa phương nhất là các vấn đề ngân sách và đầu tư công.

Trả lời:

Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, các đơn vị trong việc khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, là phù hợp với xu thế quản lý hiện nay.

Theo báo cáo số 533/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết qủa tích cực. Một trong những kết quả đạt được là hệ thống pháp luật về đầu tư công được hoàn thiện theo hướng phân cấp triệt để, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công, cụ thể: Trước năm 2015, toàn bộ quá trình đầu tư công được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, Luật Xây dựng chỉ đề cập tới hoạt động đầu tư xây dựng, Luật NSNN mặc dù đã quy định đầy đủ quy trình quản lý và sử dụng NSNN nhưng các nội dung quy định về đầu tư công, nhất là quy định về trình tự, thủ tục kế hoạch, thẩm quyền quyết định…còn chưa được rõ ràng.

Từ năm 2015, lần đầu tiên pháp luật về đầu tư công được ban hành (Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13), tạo cơ sở và hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong quản lý đầu tư công, toàn bộ quy trình quản lý dự án đầu tư công được quy định cụ thể, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; kiểm soát chặt chẽ và tốt hơn nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn đầu tư công. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số bất cập, tồn tại và hạn chế, như: chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng; một số trình tự thủ tục đầu tư chưa thật sự hợp lý, một số thủ tục không nhất thiết phải do các cơ quan Trung ương thực hiện[1]; cơ chế lập, giao kế hoạch còn thiếu linh hoạt[2], giải ngân kế hoạch vốn 02 năm đã hạn chế tính chủ động, gia tăng sự trông chờ, ỷ lại, chủ quan của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương[3],...

Xuất phát từ những tồn tại, bất cập nêu trên và trên cơ sở thực hiện chủ trương của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại đầu tư công tại Nghị quyết số 24/2016/QH14, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 (Luật 39), thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Từ đó đến nay, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công có nhiều tiến bộ, những tồn tại, hạn chế trong phân cấp, phân quyền được khắc phục, đi kèm với đó là đơn giản hóa trình tự, thủ tục, giảm các khâu trung gian, đầu mối tham gia quá trình phê duyệt dự án và bố trí kế hoạch vốn.

Hiện nay, hầu hết thẩm quyền giao kế hoạch vốn, điều chuyển kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án đã được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gắn với trách nhiệm từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đến khâu xây dựng, triển khai thực hiện dự án và kế hoạch đầu tư công, hiệu quả đầu tư dự án. Các cơ quan trung ương đóng vai trò quan trọng trong hoạch định cơ chế, chính sách, bảo đảm gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu kế hoạch đầu tư công, cân đối tổng số vốn đầu tư công, tổng hợp phương án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bảo đảm các mục tiêu kế hoạch, tính tuân thủ pháp luật về thứ tự ưu tiên bố trí kế hoạch vốn, tính khả thi của kế hoạch đầu tư công trung hạn, không tham gia vào việc phân bổ vốn đầu tư công.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên rà soát, ghi nhận những vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương để kịp thời nghiên cứu, báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ, vướng mắc về đầu tư công./.



[1] Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện; Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhóm A sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương, các dự án đầu tư của các tổ chức chính trị xã hội,...

[2] Thủ tướng Chính phủ phải nhiều lần giao kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, cá biệt có năm giao 14 lần.

[3] Việc giao kế hoạch hằng năm chi tiết đến từng dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, các dự án đầu tư phải được xác định, lập, phê duyệt ngay trong năm đầu kỳ kế hoạch để báo cáo Quốc hội, trình Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác