1. Nội dung kiến nghị (số 13c tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP): Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả cao của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định chính trị; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước, xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục nâng cao trách nhiệm trước nhân dân; tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm giám sát chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng của đất nước, tránh gây lãng phí tài sản nhà nước.
Trả lời:
Kế thừa những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được trong năm 2020, để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ quyết nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trọng thái bình thường mới.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án quy mô lớn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trước thực trạng giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm, nhiều khó khăn vướng mắc, chưa đạt mục tiêu, tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã nhìn nhận, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân giải ngân chậm. Trên cơ sơ đó, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng của bộ, địa phương; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ODA.
Trong thời gian tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu kết hợp với những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để giải ngân vốn NSNN năm 2021 tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
2. Nội dung kiến nghị (số 16 tại văn bản số 2665/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản, như sau: Dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020”; Dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp, xử lý tài sản công”, tạo điều kiện tái khởi động lại hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở có sử dụng quỹ đất có nguồn gốc thuộc Nhà nước quản lý, theo nguyên tắc đảm bảo không làm thất thoát tài sản công và nguồn thu ngân sách nhà nước; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở”, trong đó, có việc lựa chọn, chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại và quy định cơ chế chặt chẽ về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư; Dự thảo “Nghị định sửa đối, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ- CP Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, trong đó có các cơ chế, chính sách khả thi để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng lại hàng trăm nhà chung cư cũ, hư hỏng hiện nay và thực hiện tái định cư cho các hộ gia đình có nhà ở tốt hơn chỗ ở cũ; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020” để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng” để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020.
Trả lời:
Chính phủ đã nghiên cứu và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương chủ trì soạn thảo sớm ban hành các một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản như kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định: số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo hình thức công tư.
- Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các Nghị định: số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thay thế Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015; số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công công trình xây dựng và bảo dưỡng công trình xây dựng thay thế Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Riêng đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo chương trình xây dựng pháp luật của Chính Phủ, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành trong Quý II/2021. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 49/BCTĐ-BTP ngày 07/05/2021 báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đang khẩn trương thực hiện việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành đảm bảo tiến độ và chất lượng. Dự thảo Nghị định đã quy định đầy đủ các nội dung liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có các nội dung như kiến nghị của cử tri: huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện tái định cư tại chỗ cho các hộ gia đình bảo đảm có nhà ở mới tốt hơn chỗ ở cũ… cũng như các cơ chế ưu đãi có liên quan.
- Đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp, xử lý tài sản công:
Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2019, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 208/TTr-BTC ngày 31/12/2019 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã hoàn thiện, trình lấy ý kiến Thành viên Chính phủ 02 lần. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài chính đã có hai công văn số 11430/BTC-QLCS ngày 18/9/2020 và số 15581/BTC-QLCS ngày 17/12/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công[1]. Bộ Tài chính có công văn số 5340/BTC-QLCS ngày 24 tháng 5 năm 2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở pháp lý để thực hiện.
[1] “2. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến còn khác nhau của các Thành viên Chính phủ; ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị định với định hướng như sau: (i) hạn chế tối đa thất thoát tài sản công; (ii) đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ thẩm quyền, rõ chủ thể; (iii) quản lý chặt chẽ, thông thoáng, sử dụng hiệu quả; (iv) không gây phiền hà, ách tắc; (v) không mất cơ hội khai thác, sử dụng tài sản công; (vi) không trái với Luật hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2021.”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư