Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri của thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 22/02/2021 - 11:23:00 | 124 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị 1 (số 16 tại văn bản số 230/VPCP-QHĐP):

Cử tri phản ánh hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi chính sách hỗ trợ thuế vừa qua chưa đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đề xuất các giải pháp cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục được gia hạn, miễn, giảm nộp thuế. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Trả lời:

1. Về việc tiếp tục đề xuất các giải pháp cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục được gia hạn, miễn, giảm nộp thuế:

  1. Các giải pháp, chính sách đã ban hành

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cụ thể:

 (i) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành:

- Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.

- Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

- Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế (từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc (từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân.

- Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 để hỗ trợ ngành hàng không.

(ii) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành:

- Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; đồng thời Tổng cục Thuế có công văn số 1563/TCT-KK ngày 20 tháng 4 năm 2020 hướng dẫn Cục Thuế các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

- Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô.

- Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

- Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên.

 (iii) Đã thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng,... để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh; đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

(iv) Các Bộ rà soát, nghiên cứu thực hiện miễn, giảm nhiều khoản phí và lệ phí, theo đó đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định (về lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ) và ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí, cụ thể như: miễn lệ phí môn bài cho nhiều đối tượng; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 30% mức phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn; giảm 10% mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay; giảm 10% phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay nước ngoài đến Việt Nam;...

Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ, tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện cả năm 2020 khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng).

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

b) Về các chính sách, giải pháp thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ: xem xét, quyết định giao các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng theo lĩnh vực được phân công phụ trách như: (1) Các chính sách, giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội; (2) Các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; (3) Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

* Đối với đề nghị được tiếp tục được gia hạn, miễn, giảm nộp thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo, trước mắt là:

          - Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21 tháng 12 năm 2020 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để hỗ trợ ngành hàng không.

          - Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục thực hiện giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 theo Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính.

- Trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

          Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới. Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để có môi trường hoạt động ổn định và phát triển.

* Đối với đề ghị hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong thời gian qua, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã thực hiện hoạt động cho vay gián tiếp thông qua các Ngân hàng thương mại như: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Cổ phần Quân Đội (MBBank), HDBank, SHB và Bắc Á,... để triển khai các hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết, vượt khó khăn, phục hồi sản xuất. Cụ thể:

- Trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ, Quỹ Phát triển DNNVV đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-HĐTV ngày 25 tháng 6 năm 2020 công bố giảm mức lãi suất cho vay về 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4,0% đối với cho vay trung hạn, dài hạn.

- Quỹ Phát triển DNNVV đã có văn bản số 191/QDNNVV-NVCV ngày 17 tháng 12 năm 2019 về việc triển khai hỗ trợ tài chính đối với DNNVV của Quỹ gửi đến các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp của 63 tỉnh, thành phố và hơn 30 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề để thông báo về hoạt động hỗ trợ của Quỹ và bắt đầu tiếp nhận thông tin, hồ sơ đề nghị hỗ trợ của DNNVV thông qua nhiều phương thức khác nhau (như: qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Quỹ hoặc website, ...).

2. Nội dung kiến nghị 2 (số 16 tại văn bản số 230/VPCP-QHĐP): Cử tri phản ảnh việc hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp về kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 của một số bộ ngành, địa phương nói riêng thực hiện còn chậm. Đề nghị thực hiện nhanh gói hỗ trợ này để kịp thời hỗ trợ nhân dân; trong quá trình thực hiện cần xem xét hỗ trợ đúng đối tượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng; nghiên cứu có chính sách bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Trả lời:

1. Về đề nghị thực hiện nhanh gói hỗ trợ để kịp thời hỗ trợ nhân dân

Theo văn bản số 320/LĐTBXH-VP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 01/2021, đã thực hiện giải ngân 12.932,4 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 13.025.830 người và 32.409 hộ kinh doanh, trong đó nhóm người lao động đã được hỗ trợ là 1.145.065 người với kinh phí là 1.124,4 tỷ đồng (Hỗ trợ 1.518,9 tỷ đồng cho 1.018.058 người có công với cách mạng và thân nhân; 5.955,556 tỷ đồng cho 7.970.218 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 4.293,33 tỷ dồng cho 2.892.489 người là đối tượng bảo trợ xã hội. Hỗ trợ 78,658 tỷ đồng cho 58.162 người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; 903,99 tỷ đồng cho 947.723 người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc; 141,756 tỷ đồng cho 139.180 người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cap thất nghiệp. Hỗ trợ 40,187 tỷ đồng cho 32.409 hộ kỉnh doanh.).

Theo thống kê của các Trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 01/2021, cả nước có 1,105 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp là 18.900 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng).

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có 755 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 97.626 người lao động, với tổng kinh phí trên 471,88 tỷ đồng.

Về hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 56 tỉnh, thành phố, kết quả cho vay đến cuối tháng 01/2021 thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 38,267 tỷ đồng cho 238 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 10.370 người lao động.

Như vậy, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho trên 14,271 triệu lượt người dân thông qua chi trả trực tiếp hoặc các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn để trả lương ngừng việc là 32.342,528 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn sử dụng một số nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước (từ công ty xổ số kiến thiết, vận động của Mặt trận Tổ quốc,...) để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thuộc đối tượng của Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể liên quan, tổ chức 15 đoàn kiểm tra, giám sát tại 28 địa phương về tình hình triển khai thực hiện việc hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Đồng thời, Bộ cũng có Công điện gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và tránh bỏ sót, chi sai đối tượng, sử dụng ngân sách trái quy định pháp luật hiện hành.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ các nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc,...) đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, đối tượng thuộc diện chính sách nào thì đã được tiếp cận, thụ hưởng đúng chính sách đó.

2. Về đề nghị xem xét hỗ trợ đúng đối tượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng

Về nguyên tắc, việc kiểm tra, giám sát các khoản chi phòng, chống Covid-19 từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 19, khoản 6 Điều 25, khoản 6 Điều 30, khoản 5 Điều 31 Luật NSNN, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện NSNN.

- Ngày 08 tháng 01 năm 2021, trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính đã cập nhật thông tin về kết quả thực hiện NSNN đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; trong đó, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc triển khai các chính sách công khai, minh bạch, đúng đối tượng, được Nhân dân và đặc biệt là cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã kịp thời hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống Nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương.

- Việc công khai kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Bộ Y tế thực hiện theo phân cấp quy định của Luật NSNN và các văn bản hiện hành. Sau khi hoàn thiện Báo cáo kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế sẽ thực hiện công khai trên Cổng Thông tin điện tử: https://congkhaiyte.moh.gov.vn.

- Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới, nhằm phòng ngừa, phát hiện việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình công tác thanh tra, trong đó tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

3. Về các chính sách bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo nội dung các chính sách, giải pháp và có văn bản số 685/BKHĐT-TH ngày 23 tháng 10 năm 2020 đề nghị các Bộ và các cơ quan liên quan cho ý kiến. Trên cơ sở quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 13 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Trong đó có một số chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất như:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: (i) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế; tiếp tục hạ lãi suất khi điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép; khuyến khích các tổ chức tín dụng có các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi; thúc đẩy tín dụng tiêu dùng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và công ty tài chính tiêu dùng; (ii) Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành ở địa phương để đa dạng các hình thức tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ: (i) Nghiên cứu việc giảm giá điện áp dụng cho giá điện sinh hoạt, các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp logistics, cơ sở phòng chống dịch Covid-19...; (ii) Chủ trì, phối hợp với Bộ: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách phiếu chiết khấu, phiếu khuyến mại để hỗ trợ chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, khách sạn....

3. Nội dung kiến nghị 3 (số 16 tại văn bản số 230/VPCP-QHĐP): Cử tri phản ánh một số công trình phúc lợi xã hội và các dự án đầu tư công thi công kéo dài làm phát sinh kinh phí so với dự toán, lãng phí đất đai. Cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công, việc sử dụng và thu hồi đất tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Trả lời:

- Về công tác giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư công: Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư đã quy định trách nhiệm cũng như nội dung giám sát dự án đầu tư công của các chủ thể (như Cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án, Chủ đầu tư, Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án). Hiện tại, Chính phủ đang xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Tại Báo cáo công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị các chủ thể tăng cường công tác giám sát, trong đó có giám sát đầu tư công theo đúng chức năng đã quy định. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục tổng hợp và lập Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong cả nước.

-Về thanh tra trong lĩnh vực đầu tư công: trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tiến hành thanh tra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, trên cơ sở yêu cầu của công tác quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để đưa vào kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Về thanh tra công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có thẩm quyền thanh tra nội dung này. Qua công tác theo dõi, phối hợp trong giai đoạn 2018-2020, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 02 cuộc thanh tra tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:

+ Thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh và đã ban hành Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019. Kết luận thanh tra này đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại đây và đã thông báo kết quả tại Văn bản sổ 229/TB-KTNN ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước.

+ Thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị (trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có kết luận tại văn bản số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019); việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hồ Chí Minh. Đối với cuộc thanh tra này, hiện nay, Thanh tra Chính phủ chưa ban hành kết luận.

Từ kiến nghị nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thanh tra công tác quản lý về sử dụng đất trên địa bàn Thành phố; qua đó, chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; có giải pháp thu hồi những diện tích đất đai sai phạm, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia.

4. Nội dung kiến nghị 4 (số 16 tại văn bản số 230/VPCP-QHĐP): Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ triển khai các chính sách phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho các tỉnh ở khu vực này; quan tâm đối với việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam.

Trả lời:

1. Các chính sách phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng kinh tế trọng điểm

Trong các năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, ban hành các chính sách phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho các địa phương ở khu vực này, cụ thể là:

- Về việc hỗ trợ từ nguồn vốn ODA: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 về phát triển vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang phối hợp với các nhà tài trợ xây dựng Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trong đó, tập trung hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối, các dự án thủy lợi quy mô lớn, có tác động lan tỏa trong tỉnh và cả vùng, phục vụ phát triển nông nghiệp. Đến nay, các địa phương đã lựa chọn được 02 dự án trên để tổng hợp chung vào danh mục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về cơ chế chính sách liên kết vùng: có nhiều đổi mới, đột phá về cơ chế điều phối vùng, gắn với các nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp về liên kết theo ngành, lĩnh vực cụ thể cũng như các giải pháp huy động nguồn lực. Các cơ chế điều phối trên cũng là cơ hội để các địa phương trong vùng ĐBSCL phối hợp, liên kết với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương khác để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình, nhằm khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

- Về tình hình lập quy hoạch vùng ĐBSCL: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập xong quy hoạch vùng ĐBSCL trên cơ sở Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2020 và đang xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành và một số địa phương trong vùng đối với quy hoạch trên, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2021. Trong đó, việc nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch đã được xác định chi tiết, cụ thể mang tính khả thi cao để góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho các tỉnh ở vùng ĐBSCL trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các cơ chế, chính sách đột phá, đổi mới vấn đề liên kết vùng để phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế cũng như các đô thị lớn, giúp các vùng thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới.

2. Đối với việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam

- Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 địa phương trong vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương và luôn đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Trong thời gian qua, ngân sách trung ương đã tập trung đầu tư cho vùng Đông Nam bộ để làm động lực kéo cả nước phát triển, nhất là đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng.

- Về việc hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước: Theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ các địa phương trong vùng ĐBSCL theo tiêu chí tính điểm thì ngân sách trung ương sẽ dành nguồn lực riêng để hỗ trợ đầu tư cho các dự án quan trọng, liên kết vùng. Số vốn này không tính trong số vốn tính theo tiêu chí tính điểm của các địa phương. Hiện nay, các địa phương đã cơ bản lựa chọn các dự án quan trọng, tập trung vào lĩnh vực giao thông để tăng tính kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác