Nội dung kiến nghị 1 (số 33 tại văn bản số 9525/VPCP-QHĐP): Tăng cường đầu tư phát triển giáo dục: Luật Giáo dục xác định chi đầu tư giáo dục là chi đầu tư phát triển và quy định bảo đảm ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi cho ngân sách nhà nước (Điều 96. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục). Thực tế, ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng đều qua các năm gần đây, nhưng vẫn chưa đạt tỷ lệ quy định. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để phân bổ, cung cấp đủ mức kinh phí 20% tổng chi ngân sách nhà nước để tạo nền giáo dục phát triển bền vững, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Cử tri cho rằng, đây là một trong những giải pháp để phát triển bền vững với nền giáo dục phát triển để tạo nên thế hệ nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trả lời:
Quán triệt quan điểm đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, Luật Giáo dục và các văn bản liên quan về việc đảm bảo tỷ lệ chi cho GDĐT đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua, nguồn vốn ngân sách nhà nước đều dành ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo và giữ vai trò chủ yếu trong đầu tư cho giáo dục.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo[1], tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2018 về cơ bản chưa đạt mức 20% (giai đoạn 2011-2016 dao động từ 18% - 19%; từ năm 2017, theo quy định của Luật Phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì học phí không phải là khoản thu thuộc NSNN mà là khoản thu giá dịch vụ giáo dục và đào tạo không ghi thu, ghi chi NSNN nên số quyết toán NSNN chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo so với tổng chi NSNN giảm xuống còn 17%). Vì vậy, thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên báo cáo Chính phủ, Quốc hội và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp về công khai số liệu dự toán, quyết toán chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để có căn cứ tính toán, giám sát tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo đảm bảo mức tối thiểu 20%. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ để tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao nhiệm vụ đánh giá, xác định tỷ lệ chi thực tế từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo so với tỷ lệ được quy định nêu trên; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo (trong trường hợp chưa đạt tỷ lệ quy định) để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội quan tâm bố trí đủ NSNN cho giáo dục và đào tạo. Chính phủ sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo theo đúng quy định để triển khai các chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo nền tảng giáo dục phát triển bền vững như kiến nghị của cử tri./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư