Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi

Ngày 26/02/2020 - 15:14:00 | 129 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị

Đề nghị Chính phủ bố trí bảo đảm nguồn ngân sách, huy động tốt các nguồn lực xã hội, bồi dưỡng và kiện toàn nguồn nhân lực để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phát triển môi trường giáo dục, văn hóa lành mạnh; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng trường học, điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển nghề công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả, như: “Cộng đồng an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, nhằm tăng cường khả năng chăm sóc, giáo dục kỹ năng, giảm thiểu tai nạn thương tích, xâm hại đối với trẻ em.

Trả lời:

Hằng năm, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội và thông qua các chương trình mục tiêu, đề án, kế hoạch liên quan đến trẻ em hoặc dành cho công tác trẻ em.

a) Các bộ, ngành, địa phương trong điều kiện nguồn lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho công tác trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý, đã lồng ghép nội dung, mục tiêu về trẻ em trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị và các chương trình, đề án, cuộc vận động, phong trào do các bộ, ngành, địa phương quản lý như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa; Chương trình phòng, chống tội phạm; Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”; phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và phong trào “Phòng, chống bạo lực gia đình”…

b) Về vốn đầu tư, quy định hiện hành không có vốn đầu tư dành riêng cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Việc đầu tư từ ngân sách nhà nước được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư phát triển của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, phân chia theo ngành, lĩnh vực, trong đó trẻ em là một trong những nhóm đối tượng thụ hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp).

Về vốn sự nghiệp, Bộ Tài chính đã cân đối bố trí ngân sách và chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn lực để thực hiện: (i) Chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; (ii) Các chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh và mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; trợ cấp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là nạn nhân của chất độc đi-ô-xin. Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án dành cho trẻ em theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; bố trí ngân sách chi thường xuyên ở mức thấp cho công tác điều phối lĩnh vực trẻ em và bảo vệ trẻ em thông qua ngành lao động, thương binh và xã hội; rút bớt ngân sách địa phương khi có ngân sách trung ương hỗ trợ.

c) Nguồn vận động: Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, công tác trẻ em còn nhận được nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế thông qua các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức của Liên hợp quốc với tổng vốn viện trợ cam kết là khoảng 55,5 triệu Đô la Mỹ (trong đó vốn viện trợ thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hơn 28 triệu Đô la Mỹ) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho công tác trẻ em năm 2018 thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hơn 700 nghìn Đô la Mỹ.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước dành sự quan tâm, ủng hộ thông qua nhiều phong trào, nhóm hành động và hình thức hỗ trợ thiện nguyện. Vận động nguồn lực của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ bảo trợ trẻ em các tỉnh, thành phố được duy trì và tăng hằng năm.       

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác