Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng

Ngày 23/09/2020 - 09:57:00 | 116 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 35 tại văn bản số 6531/VPCP-QHĐP):

Cử tri tiếp tục phản ánh tại nhiều địa phương trên cả nước tình trạng quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thực hiện một cách tùy tiện, thể hiện rõ yếu tố lợi ích nhóm. Cử tri đề nghị thanh, kiểm tra về công tác này trên địa bàn toàn quốc.

Trả lời:

Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đô thị từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực, lãng phí, góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai từng bước được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung và nhất là tại đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh ở một số địa phương còn chậm. Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư. Việc công khai, minh bạch thông tin trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn hạn chế, nhất là thông tin về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc xử lý các vi phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn chậm, một số trường hợp chưa nghiêm minh. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và việc đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán chưa thường xuyên, một số nội dung chưa được xử lý triệt để. Mộ bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi...

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2019 kèm theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 116/NQ-CP, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2020, trong đó yêu cầu toàn ngành Thanh tra cần tăng cường thanh tra thực hiện pháp luật trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, nhà ở, dự án kinh tế xã hội quan trọng.

Ngày 24 tháng 11 năm 2018, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 tại kỳ họp thứ 4. Đồng thời, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thông qua:

(i) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch (Luật số 28/2018/QH14) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV;

(ii) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (Luật số 35/2018/QH14)

(iii) Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch số 01/2018/UBTVQH14 đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2018 nhằm đảm bảo các quy định của các pháp lệnh có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Theo đó, Luật Quy hoạch cùng với các Luật, pháp lệnh có liên quan nêu trên đã đưa ra các quy định đảm bảo được một hệ thống quy hoạch thống nhất và tuân thủ theo nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng và quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện cũng như quy hoạch được lập một cách tràn lan, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính liên kết, đồng bộ.

Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Trên cơ sở quy định của pháp luật về quy hoạch như đã đề cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp nghiên cứu, đề xuất việc thanh, kiểm tra công tác quy hoạch trên địa bàn toàn quốc theo đúng quy định của pháp luật.

2. Nội dung kiến nghị (số 37 tại văn bản số 6531/VPCP-QHĐP):

Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư để tiến hành dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 28 và 28B qua địa bàn 03 tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Trả lời:

Quốc lộ 28 và Quốc lộ 28B được Bộ Giao thông vận tải xác định là các tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói chung. Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1912/QĐ-BGTVT ngày 11 tháng 10 năm 2019 giao Tổng cục Đường bộ Việt nam tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê trên Quốc lộ 28 qua tỉnh Đắk Nông làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công.

Sau khi có chủ trương và mức vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Riêng các đoạn tuyến còn lại trên Quốc lộ 28, do nguồn lực hạn hẹp, trước mắt Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát hiện trạng để duy tu, sửa chữa đảm bảo nhu cầu vận tải và an toàn giao thông./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác