Nội dung kiến nghị (số 24 tại văn bản số 6531/VPCP-QHĐP): Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các gói kích thích phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh cả thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cần ưu tiên phát triển, khai thác mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, tiềm lực mạnh, thân thiện với môi trường. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, tạo thế mạnh và sự chủ động trong thu hút đầu tư. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Có giải pháp cụ thể, khả thi trước mắt và lâu dài bảo đảm phát triển bền vững, toàn diện về an ninh nguồn nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu. Chú trọng sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trả lời:
- Về kết quả thực hiện các giải pháp, chính sách đã được ban hành:
Kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid -19, thiên tai và các khó khăn, thách thức chưa từng có cả trong và ngoài nước. Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Trong 9 tháng đầu năm, Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân với phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Các giải pháp được đánh giá là chính xác, kịp thời, hiệu quả với chi phí thấp, phù hợp diễn biến, ảnh hưởng của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới; góp phần giúp kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã đạt kết quả tốt, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã ban hành có kết quả tích cực. Trong đó, đã thực hiện giải ngân trên 12,9 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân và gần 21 triệu hộ kinh doanh, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 164,5 nghìn người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP; đã gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 66,4 nghìn tỷ đồng theo Nghị định 41/NĐ-CP. Các giải pháp tiền tệ đã giúp cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 267,6 nghìn khách hàng với dư nợ 304,6 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 472 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng…
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, và địa phương và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp được giao về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng, lao động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tiến độ thanh toán các khoản nợ công cho các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung kinh phí cho Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng phó với dịch Covid-19; thực hiện chiến lược truyền thông về Việt Nam nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Chính phủ đã chủ động nhấn mạnh yêu cầu hợp tác đầu tư nước ngoài, và coi đây là việc làm cần thiết trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng, khi nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc đa dạng hóa địa điểm đầu tư, tái định vị chuỗi giá trị để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về hợp tác đầu tư nước ngoài. Các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức thường xuyên hơn (cho dù trực tuyến) nhằm đón đầu dòng vốn dịch chuyển đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong năm 2020 là vấn đề then chốt, góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, và giúp nền kinh tế thoát khỏi rủi ro. Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một số nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Việc theo dõi, dự báo diễn biến và tác động của kinh tế thế giới nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng đối với kinh tế Việt Nam cũng được thực hiện thường xuyên, bài bản. Nhiều kịch bản đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đã được đưa ra. Theo đó, các giải pháp ứng phó theo từng kịch bản đã được các cơ quan, ban ngành chủ động xây dựng, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ.
Nhìn chung, công tác điều hành của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được quốc tế đánh giá cao; giữ được tâm lý bình tĩnh, có được sự tham vấn và đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; công tác truyền thông có đóng góp quan trọng vào ổn định tâm lý thị trường, cũng như giúp chia sẻ các kinh nghiệm tốt của doanh nghiệp để ứng phó với đại dịch Covid-19; công tác điều hành tiếp tục duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, đặc biệt lưu tâm đến diễn biến đại dịch Covid-19; Chính phủ vẫn giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai; đà cải cách môi trường kinh doanh vẫn được tiếp nối từ giai đoạn 2014-2019, không bị ngắt quãng ngay cả khi Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch...
- Về các giải pháp điều hành của Chính phủ trong thời gian tới:
Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2020, trong đó yêu cầu:
(1) Các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
(2) Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan tổng hợp điều phối quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, xã hội. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá. Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn; nâng cao nội lực của thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
- Một số định hướng Chính phủ đang và sẽ cân nhắc thực hiện gồm:
(1) Tập trung đẩy nhanh tiến độ và cân nhắc điều chỉnh các điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ; nhất là gói chính sách tiền tệ - tín dụng, gói hỗ trợ về tài khóa và gói hỗ trợ an sinh xã hội; và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay và sắp tới.
(2) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch ở các nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, tránh tâm lý chủ quan cũng như hốt hoảng, mất bình tĩnh. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ tối đa cho công tác phòng, chống dịch; chuẩn hóa và minh bạch thông tin phòng chống dịch bệnh; củng cố sự đồng thuận của toàn xã hội trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn tiếp theo.
(3) Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Lưu tâm hơn đến đánh giá thiệt hại từ Covid-19 trên nhiều phương diện để từ đó xác định chính sách và liều lượng phù hợp.
(4) Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa sau đại dịch như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam – EU đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.
(5) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên nhiều hơn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở và dịch vụ y tế, nền tảng công nghệ thông tin, phát triển khu vực nông thôn (nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu).
(6) Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử.
(7) Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài; trong đó tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, đánh giá và có các báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó đã đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn tiếp theo./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư