Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa

Ngày 04/11/2019 - 16:23:00 | 151 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị:

Đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát đối với việc vay và sử dụng vốn ODA. Vì thời gian qua, một số dự án thuộc nguồn vốn ODA sử dụng hiệu quả thấp, như: đội vốn lên nhiều lần so với dự toán ban đầu, thời gian thi công kéo dài, chất lượng kém, cán bộ quản lý vi phạm bị xử lý,…gây dư luận không tốt trong nhân dân.  

Trả lời:                                        

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 05 tháng 10 năm 2018 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Trên cơ sở Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết và Chỉ thị của Thủ trướng Chính phủ đến các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Một số Bộ, ngành và địa phương đã cụ thể hóa thông qua việc xây dựng kế hoạch trong đó xác định rõ các hoạt động và thời hạn hoàn thành (Quyết định số 402/QĐ-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định số 851/UBND-VP4 của UBND tỉnh Ninh Bình, Kế hoạch số 76/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Giang,...) hoặc đưa các nội dung này vào các văn bản thông báo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan mình như Ủy ban dân tộc, UBND các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Gia Lai,...

1. Kết quả đạt được:

Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực chung và quyết tâm cao của các ngành, các cấp, chỉ trong một thời gian ngắn thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. 

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết và quyết định, điển hình là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan toả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi. Các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành việc rà soát, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật, triển khai xây dựng chiến lược huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước nguồn vốn vay nước ngoài thông qua việc hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá ở các ngành, các cấp, góp phần uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, sai phạm và đảm bảo hiệu quả của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nói trên, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả đáng khích lệ: Hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, các chỉ tiêu nợ công năm 2018 thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ và báo cáo Quốc hội số 46/BC-CP ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ. Các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.

2. Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoach giao. Một số dự án đã ký kết song nhưng chưa được các Bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong việc trả nợ.

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

Những hạn chế, bất cập trên là do các nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Việc huy động vốn phụ thuộc vào việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, khả năng vay và trả nợ của các chính quyền địa phương và chính sách, điều kiện vay của nhà tài trợ; (ii) Một số văn bản pháp luật chưa nhất quán, đặc biệt quy định khác nhau về Báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường đã gây khó khăn trong việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; (iii) Khác biệt về quy trình, thủ tục và chính sách của Việt Nam và nhà tài trợ về đấu thầu, GPMB và tái định cư, thủ tục giải ngân rút vốn,...; (iv) Công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng văn kiện dự án, tổ chức thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt; (v) Quy định về giải ngân song song cả nguồn vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn nước ngoài địa phương vay lại theo cơ chế tài chính trong nước đã ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn nước ngoài của dự án; (vi) Các chương trình, dự án Ô gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do cơ chế quản lý và phân bổ vốn chưa rõ ràng, cụ thể.

4. Kế hoạch thực hiện trong thời gian tới 

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 05/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện những nhiệm vụ sau:

(1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế.

(2) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, bao gồm thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

(3) Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

(4) Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển tại văn bản số 219/TB-CP ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.

(5) Xây dựng Khung quan hệ đối tác phát triển giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

(6) Tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu vay vốn nước ngoài của các Bộ, ngành và địa phương để xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2017. Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải được đồng bộ với kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vay trả nợ công 5 năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất chương trình, dự án phải xác định rõ cơ chế tài chính đối với chương trình, dự án (cấp phát hoặc cho vay lại hoặc hỗn hợp), làm rõ sự cần thiết đầu tư dự án, quy mô đầu tư, trách nhiệm hoàn trả nợ; kiên quyết loại bỏ các chương trình, dự án có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng.

(7) Thường xuyên giám sát hạn mức vay ODA và vay ưu đãi cho đầu tư phát triển cho giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội; kịp thời đánh giá những rủi ro có thể ảnh hưởng làm tăng hạn mức và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước trong trung hạn.

(8) Tổ chức đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 01 năm thực hiện để chủ động xử lý các tồn tại, vướng mắc.

(9) Điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng cân đối giữa vốn vay nước ngoài với vốn vay trong nước một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo lợi ích quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định, nhất là nợ nước ngoài của Chính phủ.

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác