Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình

Ngày 18/03/2019 - 11:04:00 | 101 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị :

Đại biểu cử tri bày tỏ sự tin tưởng, vui mừng, phấn khởi trước thành công của Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng như thông qua các dự án luật; xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, nhìn nhận lại những việc đã làm được của Chính phủ, các bộ, ngành kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cử tri đề nghị Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được, đề ra các biện pháp thực hiện; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.  

Trả lời:

- Về công tác xây dựng thể chế trong các lĩnh vực Bộ được phân công phụ trách:

Xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Bộ đã có nhiều đổi mới, quyết tâm cải cách, tiên phong, đi đầu trong công tác xây dựng luật, điển hình là tham mưu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật Quy hoạch tạo bước đột phá về thể chế, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và trong chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã làm thay đổi quan điểm và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp trong công tác phân bổ vốn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thông qua áp dụng công nghệ thông tin; đưa vào vận hành chính thức Hệ thống quản lý đầu tư công, lần đầu tiên thực hiện công tác tổng hợp, giao kế hoạch vốn đầu tư trên Hệ thống, rút ngắn được thời gian và khắc phục căn bản những lỗi sai sót do tổng hợp thủ công gây ra; góp phần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Chủ trì xây dựng, hoàn thiện trình Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chương trình, đề án quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Khu công nghiệp, Khu kinh tế để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần đưa các Khu công nghiệp, Khu kinh tế đi vào hoạt động ổn định, nề nếp và có hiệu quả hơn.

Nghiên cứu, sửa đổi, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đến nay, hệ thống chính sách pháp luật về đấu thầu được đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện với Luật Đấu thầu, 03 Nghị định của Chính phủ và 24 Thông tư hướng dẫn đã giúp chuẩn hóa công tác đấu thầu, hài hòa giữa quy định về đấu thầu của Việt Nam và các nhà tài trợ, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu.

- Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn về đầu tư, kinh doanh, Bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 19/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, ... nhằm thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; cắt giảm đáng kể các điều kiện kinh doanh, tạo động lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư của tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực mang tính đột phá để phát triển đất nước; tham gia tổ chức tốt nhiều hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng với các bộ, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhờ đó củng cố niềm tin, tạo lập không khí phấn khởi, thi đua đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

- Về tham mưu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020

Bộ Kế hoạch và đầu tư đã sát sao công tác theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ hàng năm, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêuphát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao nhằm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, nói đi đôi với làm, lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực phục vụ.

Đã tham mưu Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành các cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực. Chủ động điều hành, đổi mới cả về nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ điều phối kinh tế vĩ mô (Tổ 1317), tăng cường công tác phối hợp, nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô.Năm 2016, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã đạt được kết quả đầy ấn tượng, thành công trên nhiều lĩnh vực, sau nhiều năm đến năm 2017: 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao đều hoàn thành, nhất là chỉ tiêu GDP tăng 6,81% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội là 6,7%); đến năm 2018, 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả tốt  như tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra; hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện; giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện đáng kể bằng việc ban hành và thực hiện 2 Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/07/2016 và 70/NQ-CP ngày 03/08/2017; khắc phục được cơ bản tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện không có căn cứ khả năng cân đối vốn; khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công; thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công từng bước được hệ thống hóa và số hóa thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống quản lý đầu tư công tại Bộ Kế hoạch và đầu tư; khắc phục được tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc thông qua việc đổi mới công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa kế hoạch trung hạn và hằng năm.

  • Về công tác quản lý đầu tư của nước ngoài và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài

  Công tác vận động và xúc tiến đầu tư tiếp tục được cải thiện, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả khả quan. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề; tham vấn ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế để xây dựng Đề án: "Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2030", báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Với định hướng tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì tổ chức thu hút, vận động vốn ODA ở cấp quốc gia. Chủ trì tham mưu Chính phủ định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025. Đã có sự thay đổi căn bản trong quan điểm về sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với các định hướng 2021-2025, trong đó, vay vốn nước ngoài không phải với mục tiêu tranh thủ nguồn vốn rẻ nữa mà phải coi đây là nguồn vốn “mồi”, chủ yếu ưu tiên cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng và có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia trong trung và dài hạn.

  • Về công tác thống kê phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô:

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thống kê, bảo đảm chất lượng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội kịp thời chính xác, khách quan và minh bạch. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, xây dựng nhiều báo cáo thống kê quan trọng như “Báo cáo kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam”; “Đánh giá hạn chế của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực” trình Bộ Chính trị, Chính phủ; tập trung nguồn lực tiến hành “Tổng điều tra kinh tế năm 2017”; “Báo cáo về phương pháp xác định GDP”. Tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu từ các cuộc tổng điều tra chuyên đề như “Tổng điều tra kinh tế năm 2017”, triển khai “Điều tra doanh nghiệp năm 2018”, tổng điều tra dân số trong tháng 4 năm 2019./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác