Nội dung kiến nghị 1 (Số thứ tự 1 theo văn bản số 482/BDN):
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ kè chống sạt lở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vì đầu tư theo giai đoạn như hiện nay không hiệu quả, gây thất thoát, phần đầu tư kè trước nhanh chóng bị hư hỏng do thiếu liên kết với phần đầu tư kè sau.
Trả lời:
Việc đầu tư hoàn thành công trình là cần thiết, nhằm phát huy hiệu quả công trình. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phân bổ và được giao xong kế hoạch. Đề nghị tỉnh huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành công trình hoặc phân kỳ dự án đến điểm dừng kỹ thuật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đề xuất của Tỉnh và trong quá trình điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khi có nguồn bổ sung.
Nội dung kiến nghị 2 (Số thứ tự 2 theo văn bản số 482/BDN):
a) Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét phân bổ đầu tư công đảm bảo công bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị (như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, điện lưới quốc gia…). Hiện nay, ở khu vực nông thôn, miền núi số lượng học sinh ít nhưng không đủ trường, lớp cho con em học tập.
Trả lời:
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước việc cân đối vốn đầu tư cho giáo dục phổ thông thuộc trách nhiệm của địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, các dự án ODA, trong đó đối tượng ưu tiên được hỗ trợ là các vùng khó khăn, mục tiêu của các Chương trình nhằm tăng cường cơ sở vật chất các trường học ở các vùng khó khăn.
b) Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét phân bổ đầu tư công đảm bảo công bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị (như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, điện lưới quốc gia…). Hiện nay, ở khu vực nông thôn, miền núi người nông dân ốm, đau phải ra thành phố chữa trị, tốn kém chi phí.
Trả lời:
Việc phân bổ đầu tư công đảm bảo công bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị để người dân ở các vùng nông thôn được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, hạn chế chi phí khi ra thành phố chữa trị là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các dự án là Bệnh viện tuyến tỉnh. Cụ thể là đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020: Căn cứ quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, đối tượng hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Đầu tư phát triển Y tế địa phương là: “Các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh thuộc quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”; Căn cứ quy định tại điểm h Mục 5 Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7/9/2015 của Chính phủ (về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020): “Các chương trình, dự án mới chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án lớn trong 3 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện trung ương và một số địa phương từ khi đổi mới đến nay chưa được đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh”. Do đó, việc đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến huyện tỉnh Quảng Nam và đảm bảo phân bổ vốn đầu tư công bằng cho khu vực nông thôn và thành thị thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Nội dung kiến nghị 3 (Số thứ tự 4 theo văn bản số 8317/VPCP-QHĐP):
Trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần đặc biệt chú ý đến yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các dự án du lịch khu vực trong yếu, ven biển.
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 11 của Luật Quốc phòng số 39/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định: "Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực trọng điểm về quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định"./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư